Thông tư có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành và được chuyên gia, các trường đại học hoan nghênh, hưởng ứng.
Nhiều điểm mới
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT đã thống nhất quy định chung về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động ngành đào tạo của các trình độ của giáo dục đại học gồm: Đại học, thạc sĩ và tiến sĩ thay thế Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT.
Các quy định về mở ngành tại Thông tư được điều chỉnh, bổ sung bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật Giáo dục Đại học đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, đồng thời bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành như: Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo; Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ; Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ; Thông tư quy định về Danh mục ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định cụ thể về điều kiện phải có đơn vị chuyên môn cấp khoa hoặc tương đương để quản lý các hoạt động chuyên môn, giảng viên, người học và các nhiệm vụ quản lý khác đối với ngành đào tạo dự kiến mở.
Ngoài các điều kiện như: Tên ngành đào tạo, nhu cầu nhân lực, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, thư viện và các điều kiện khác có liên quan; Thông tư cũng quy định: Cơ sở đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT để sẵn sàng chuyển sang dạy - học trực tuyến, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định.
“Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện đồng bộ, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác giám sát quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội nói chung” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Tăng tính tự chủ cho các trường
Cho rằng, điểm mới nổi bật của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT là cách tiếp cận xác định đội ngũ giảng viên và điều kiện mở ngành, PGS.TS Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Ngoại thương – nhìn nhận: Thông tư có một số quy định mở và linh hoạt hơn về điều kiện mở ngành, tăng tính tự chủ cho các trường; đồng thời vẫn đảm bảo các điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo.
Chẳng hạn, về đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất để mở ngành, Thông tư có sự linh hoạt hơn khi không bắt buộc nhà trường phải đảm bảo đủ điều kiện ngay năm đầu tiên mở ngành, mà cho phép các trường chuẩn bị đội ngũ và điều kiện cơ sở vật chất phải bảo đảm đủ cho 2 năm học đầu của chương trình đào tạo, và có phương án, kế hoạch tuyển dụng, đầu tư đảm bảo cho các năm tiếp theo.
“Ngoài ra, quy định về giảng viên toàn thời gian, giảng viên có chuyên môn phù hợp thay cho quy định giảng viên cơ hữu, giảng viên cùng ngành hoặc ngành gần trước đây cũng là một điểm mới tạo thuận lợi cho các trường trong chuẩn bị đội ngũ giảng viên đảm bảo chuyên môn để mở ngành, phù hợp với xu hướng đào tạo ngành nghề hiện nay trên thế giới” - PGS.TS Lê Thị Thu Thủy tâm đắc.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Ngoại thương, Thông tư đã đưa ra một số yêu cầu cụ thể hơn về điều kiện mở ngành như học hàm học vị, kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm giảng dạy đối với giảng viên; cơ sở dữ liệu quốc tế về sách, tạp chí khoa học liên quan đến ngành đào tạo; phương án, giải pháp đề phòng, ngăn ngừa, xử lý rủi ro trong mở ngành đào tạo... Các trường tuân thủ điều kiện này khi mở ngành sẽ đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 – nhận xét: Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới. Trong đó có quy định: Cơ sở đào tạo phải xây dựng, đề xuất, phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo do Hội đồng trường phê duyệt và chịu trách nhiệm về định hướng phát triển mở ngành mới, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển của cơ sở đào tạo; đồng thời bảo đảm phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực. Ngoài ra, phải bảo đảm nguồn lực để triển khai đề án mở ngành đào tạo đạt hiệu quả; thẩm định về dự báo rủi ro, các giải pháp ngăn ngừa đề phòng rủi ro và cách thức giải quyết trong trường hợp xảy ra rủi ro khi mở ngành đào tạo.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, khi Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát huy quyền tự chủ trong việc mở ngành đào tạo mới. Về cơ bản, các điều kiện khá “thông thoáng” và “cởi trói” cho các trường. Tuy nhiên, với khối ngành đạo tạo giáo viên, yêu cầu có phần chặt chẽ hơn so với các cơ sở giáo dục đại học khác. Qua đó, đòi hỏi các trường sư phạm phải chủ động nâng cao chất lượng, đáp ứng kỳ vọng của xã hội.