Từ kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác, để sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng hơn, tại cuộc họp trực tuyến chiều 2/8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 giao Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh, thành phố còn ít ca nhiễm tiếp tục kiện toàn hoạt động của tổ Covid-19 cộng đồng ngoài việc giám sát thực hiện phòng, chống dịch ở khu dân cư, phát hiện người từ nơi khác về… và sẵn sàng có trợ giúp y tế ban đầu.
Các tỉnh còn ít ca nhiễm cần thực hiện ngay việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm; tập huấn, thí điểm cách ly tại nhà đối với F1, giữ cho lực lượng y tế không bị quá tải khi dịch diễn biến phức tạp hơn nữa.
Các địa phương sớm chuẩn bị trung tâm thu dung F0 không triệu chứng, chăm lo đầy đủ sức khỏe và tinh thần để giảm thấp nhất tỷ lệ chuyển sang F0 có triệu chứng; thành lập các cơ sở điều trị có triệu chứng nhẹ phải có hệ thống ô xy tập trung, máy thở ô xy dòng cao… Bộ Y tế hướng dẫn kỹ các địa phương tổ chức hệ thống điều trị theo mô hình 5 lớp từ kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh.
Ban Chỉ đạo lưu ý các tỉnh cần thiết lập hệ thống đường dây nóng có đủ năng lực tiếp nhận, xử lý đầy đủ thông tin cần trợ giúp về sức khoẻ của của người dân, không chỉ liên quan đến Covid-19.
Các địa phương tăng cường thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", để nắm tất cả những người từ nơi khác về, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.
Kể từ khi áp dụng Chỉ thị 16, mục tiêu cao nhất được TP Hồ Chí Minh đặt ra là giảm tối thiểu ca tử vong. Các quyết sách chống dịch được chuyển trọng tâm từ xét nghiệm sang điều trị. Số bệnh viện dã chiến và bệnh viện hồi sức Covid-19 được thiết lập với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã quyết định thành lập 4 bệnh viện dã chiến tổng công suất hơn 10.000 giường thu dung điều trị COVID-19 trực thuộc Sở Y tế.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, từ khi áp dụng Chỉ thị 15, siết chặt theo Chỉ thị 16, tốc độ tăng ca nhiễm bình quân/ngày đã chậm lại, hiện nay chỉ tăng bình quân 1,5 lần /ngày so với lúc áp dụng Chỉ thị 15 (hơn 6 lần bình quân/ngày).
Tuy nhiên, số tuyệt đối ca mắc hàng ngày vẫn lớn do dịch đã lây lan sâu vào cộng đồng. Do đó để kiểm soát được dịch, TP Hồ Chí Minh cũng đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch lên mức cao nhất, cùng với đó là đã tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, sau ngày 1/8.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 30/7, trong thời gian tới sẽ áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo thực thi triệt để các biện pháp siết chặt Chỉ thị 16, đặc biệt là từ sau 6 giờ sáng đến 18 giờ. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung điều trị F0 nặng có bệnh nền, đưa hệ thống oxy dòng cao vào sử dụng sớm, tránh chuyển biến nặng, tăng điều trị tầng 3, 4, 5, rút ngắn thời gian điều trị F0.
Về chăm lo đời sống người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, để bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội khi kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16, giảm tác động đến mức thấp nhất đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, TP Hồ Chí Minh cũng quyết định hình thành Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ người dân gặp khó khăn; cung cấp, tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho khoảng 250.000 hộ nghèo, mất việc với túi an sinh trị giá 500.000 đồng/tuần (không thuộc 5 nhóm đối tượng của Nghị quyết 09 HĐND Thành phố).
Ngoài ra, TP còn tập trung hỗ trợ 5 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 09 của HĐND Thành phố với hơn 615 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ cho lao động tự do, hộ kinh doanh dừng hoạt động đạt 100%. Thời gian qua, các địa phương, nhóm tình nguyện hỗ trợ lên tới 351 tỷ đồng.