Các ông lớn công nghệ Nhật Bản sụp đổ: Vì sao lại ra "nông nỗi"

Các thương hiệu công nghệ Nhật Bản một thời thống lĩnh ngành công nghiệp tỷ USD này. Tuy nhiên, trước cơn lốc của những cuộc cạnh tranh khốc liệt, các ông lớn một thời giờ đây chỉ xuất hiện trên báo chí với những khó khăn chồng chất.

Các ông lớn công nghệ Nhật Bản sụp đổ: Vì sao lại ra "nông nỗi"

Sinh ra trong đất nước khai sinh ra những chiếc máy nghe nhạc Walkman lừng lẫy một thời, các thương hiệu lớn Nhật Bản dường như đã lỡ nhịp trong các xu hướng gần đây, như sự trỗi dậy của thời đại smartphone.

Hơn thế nữa, những thương hiệu này đang sa lầy vào những vụ bê bối về tài chính. Các quyết định sai lầm khiến nhiều triệu USD bốc hơi hay các vụ rắc rối về kiểm toán đang khiến các công ty lún sâu vào khó khăn.

Vậy các “ông lớn” Nhật Bản giờ đây ra sao vì sao ra "nông nỗi" này?

Toshiba: Trên đà phá sản

Tiên phong trên thị trường laptop, TV và các đồ điện tử gia dụng khác nhưng Toshiba cũng gia nhập vào “băng nhóm” các công ty Nhật Bản gặp khó khăn và cần sự trợ giúp từ vốn vay ngân hàng.

Toshiba là “đế chế” cuối cùng còn đủ sức để tồn tại. Tuy nhiên, tập đoàn này đã mất thị phần về tay các đối thủ đén từ Trung Quốc và Hàn Quốc trong các mảng kinh doanh chủ chốt.

Để vượt qua sóng gió, Toshiba đã chuyển hướng kinh doanh, rót tiền vào ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân bằng cách mua lại công ty Westinghouse Electric của Mỹ.

Tuy nhiên, vụ bê bối về tài chính năm 2015 đã “quật ngã” tượng đài một thời. Đến tháng 2/2017, Toshiba tuyên bố dự án điện hạt nhân đã khiến hãng thua lỗ 6.3 tỷ USD.

Giá cổ phiếu của Toshiba đã giảm một nửa chỉ trong vòng vài tháng. Toshiba hiện đang rao bán bộ phận sản xuất chip nhớ và các tài sản khác nhằm vượt qua khó khăn đang đối mặt.

Sharp: Bán mình cho Foxconn

Sharp nổi tiếng lừng lẫy vào những năm 1980 với các dòng máy tính điện tử cao cấp, màn hình VCR, máy nghe nhạc cầm tay. Sharp cũng đã đặt cược vào cuộc cạnh tranh trên thị trường TV LCD và các tấm màn hình.

Tuy nhiên, Sharp rơi vào khó khăn khi đồng yên tăng giá cùng với nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng kéo dài đã khiến nhu cầu ngày càng giảm.

Sharp đã đứng trên bờ vực phá sản từ nhiều năm nay với 2 lần cần sự trợ giúp từ ngân hàng. Sharp đã tuyên bố thua lỗ nặng nề và cắt giảm tới 5.000 nhân lực trên toàn cầu vào năm 2015.

Năm ngoái, Sharp đã chính thức bán mình cho tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử Đài Loan Foxconn.

Olympus: Sống sót nhờ các thiết bị y tế

Olympus khởi nguồn là công ty sản xuất thiết bị kính hiển vi nội địa, và dần trở thành hãng sản xuất máy ảnh, thiết bị y tế hàng đầu. Tuy nhiên, các hoạt động tài chính không rõ ràng đã khiến Olympus rơi vào tình trạng tuột dốc.

Chuyện bắt đầu từ năm 2011 khi vị chủ tịch người Anh Micheal Woodford, là CEO đầu tiên không phải là người Nhật của hãng, đã nhanh chóng phát hiện công ty này thực hiện sai các báo cáo tài chính, gian lận nhiều năm liên tiếp từ những năm 1990.

Khi CEO này đặt ra câu hỏi thì bị ban quản trị sa thải ông. Tuy nhiên, bê bối này cuối cùng cũng vỡ lở với số tiền gian lận lên tới 1,7 tỷ USD trong vòng 13 năm.

Woodford sau đó đã nói, chính văn hoá lịch sự quá mức của Nhật đã gây ra tình trạng khó khăn cho Olympus. Việc bảo vệ hết mực cho các nhà lãnh đạo trong tình trạng quản lý yếu kém đã đẩy Olympus đứng bên bờ vực.

Với đội ngũ lãnh đạo mới, Olympus đang trở lại ngoạn mục. Giá cổ phiếu của hãng đã tăng gấp 10 lần kể từ mức thấp nhất vào năm 2011 nhờ vào doanh số của các thiết bị y tế.

Sanyo: Bán mình cho Panasonic

Sanyo, một thời là hãng công nghệ lớn thứ 3 của Nhật Bản, hiện đang bán pin di động và các thiết bị gia dụng.

Sanyo là một tập đoàn toàn cầu và từng sở hữu một vị trí đắc địa tại điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Anh, Piccadilly Circus, là nơi hãng này bắt đầu quảng cáo bằng biển hiệu đèn neon vào năm 1978.

Với sự thay đổi công nghệ nhanh đến chóng mặt, tấm biển quảng cáo của Sany được cho là lỗi thời và người ta từng đề nghị Sanyo thay thế bằng màn hình LED hiện đại, có thể hiển thị các hình ảnh động.

Tuy nhiên, công ty này cho rằng “không cần thiết phải thay đổi vì các lý do về kinh tế”. Tấm biển quảng cáo này bị tắt đèn vĩnh viễn vào năm 2011.

Từ những năm 2000, Sanyo đối mặt với tình trạng khó khăn kéo dài khi phải cạnh tranh với các hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Việc tiền yên tăng giá cũng khiến các mặt hàng xuất khẩu của hãng này trở nên quá đắt. Và rồi, “người đồng hương” Panasonic đã mua lại Sanyo từ năm 2009.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ