Các nước phát triển sử dụng sách giáo khoa thế nào?

GD&TĐ - Trong khi tại Mỹ, Canada, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo, phù hợp với khung chương trình phổ thông thì Australia không có sách giáo khoa.

Sách giáo khoa tại Mỹ. Ảnh Internet.
Sách giáo khoa tại Mỹ. Ảnh Internet.

Giáo viên được dùng thử sách giáo khoa

Tại Mỹ, sách giáo khoa không phải tài liệu bắt buộc sử dụng trong lớp học. Ước tính, sách giáo khoa chỉ chiếm khoảng 15 – 20% lượng tài liệu dạy và học. Giáo viên có thể tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác để soạn giáo án phù hợp với khung chương trình giáo dục phổ thông.

Có hai phương án lựa chọn sách giáo khoa. 30 bang như Arizona, Illinois, Massachusetts, Ohio... cho phép các khu học chánh hoặc cơ sở giáo dục địa phương lựa chọn sách giáo khoa trong các bộ sách của các nhà xuất bản khác nhau. Tại 20 bang còn lại, có thể kể đến như Alabama, Florida, Georgia, Texas..., việc lựa chọn sách giáo khoa phụ thuộc vào chính quyền bang.

Khoảng 42 bang, như Kentucky, Maine, New York, Pennyslvania... phân phát sách giáo khoa miễn phí cho học sinh các trường công lập. Tuy nhiên, học sinh sẽ phải bồi thường nếu làm hư hỏng hoặc làm mất sách giáo khoa. Một số bang chỉ miễn tiền sách giáo khoa cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và không đủ khả năng chi trả.

Tại Mỹ, các nhà xuất bản tư nhân sẽ biên soạn sách giáo khoa. Theo ông Matthew Bates, giáo viên tại một trường phổ thông Mỹ, các nhà xuất bản sẽ tặng sách mẫu cho giáo viên trong các khu học chánh để họ trải nghiệm và dạy thử. Nếu giáo viên hài lòng, họ có thể kiến nghị trường học hoặc cơ quan giáo dục bang mua bộ sách giáo khoa này.

Việc lựa chọn sách giáo khoa tại hai bang Texas và California có ảnh hưởng tương đối mạnh mẽ đến các trường học và địa phương còn lại tại Mỹ. Bởi vì Texas là thị trường sách giáo khoa tương đối rộng lớn nên lựa chọn sách giáo khoa của chính quyền bang có tác động đến việc xuất bản sách giáo khoa trên cả nước.

Hàng năm, Uỷ ban Giáo dục bang Texas sẽ tổ chức chọn ra 5 sách giáo khoa cho mỗi môn học mà các trường có thể lựa chọn. Sau khi danh sách này được phê duyệt, các công ty xuất bản sẽ điều chỉnh số lượng in ấn để phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhiều trường học ngoài Texas và các bang khác có thể lựa chọn danh sách sách giáo khoa theo bang Texas.

Do đó, nếu bang Texas kiến nghị các nhà xuất bản sửa đổi nội dung trong sách giáo khoa, đa số các nhà xuất bản sẽ chấp thuận. Nhưng kiến nghị này khó có thể được thông qua ở những bang khác như Maine hay Alabama...

Sách giáo khoa môn Khoa học lớp 9, 10 tại Canada. Ảnh Internet.

Sách giáo khoa môn Khoa học lớp 9, 10 tại Canada. Ảnh Internet.

Không sử dụng sách giáo khoa

Tương tự Mỹ, tại Canada, sách giáo khoa chỉ là một trong nhiều tài liệu giảng dạy nên không có tình trạng phụ thuộc vào sách giáo khoa. Chính quyền bang và cơ quan giáo dục bang có toàn quyền đối với giáo dục như lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng khung chương trình...

Sách giáo khoa tại Canada cũng được các nhà xuất bản tư nhân đảm nhiệm. Một số nhà xuất bản nổi tiếng ở nước này có thể kể đến như Thomson, McGraw-Hill Ryerson, Pearson, chiếm khoảng 92% thị trường sách giáo khoa. Do quy mô của thị trường sách giáo khoa tại Canada tương đối hạn chế, các nhà xuất bản cố gắng tối đa hóa số lượng sách có thể bán.

Nếu tại Mỹ, bang Texas có sức ảnh hưởng lớn về sách giáo khoa thì tại Canada là tỉnh bang Ontario. Là tỉnh có số người nói tiếng Anh lớn nhất, Ontario đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sách giáo khoa phù hợp với khung chương trình học.

Đơn cử, có sự khác nhau giữa sách giáo khoa các môn bắt buộc và các môn tự chọn. Các môn bắt buộc là những môn học dành cho tất cả học sinh phổ thông như Toán, Tiếng Anh, Khoa học, Địa lý... nên quy mô thị trường sách giáo khoa sẽ lớn hơn. Do đó, đối với những môn học bắt buộc, các nhà xuất bản thường cung cấp sách cạnh tranh với nhau.

Nhưng với các môn tự chọn, tức là môn không bắt buộc như Kinh doanh, Công nghệ, Kinh tế, Triết học..., các nhà xuất bản có xu hướng chia nhỏ thị trường này để có rất ít hoặc gần như không có sự cạnh tranh. Ví dụ, nếu một nhà xuất bản đang tiến hành biên soạn sách môn Kinh tế, Triết học, các nhà xuất bản sẽ hạn chế xuất bản sách tương tự.

Giáo dục tại Canada là miễn phí. Học sinh công lập, kể cả học sinh người nước ngoài, không phải mua sách giáo khoa.

Ngược lại, Australia không có sách giáo khoa. Các nhà xuất bản Australia vẫn in ấn các tài liệu phục vụ học tập trong chương trình phổ thông, dựa theo khung chương trình do cơ quan giáo dục các bang xây dựng. Nhưng họ không gọi đó là sách giáo khoa mà là tài liệu dạy và học. Bộ Giáo dục và cơ quan giáo dục địa phương cũng không lựa chọn sách giáo khoa cho các môn học.

Dựa trên khung chương trình, giáo viên có thể chọn tài liệu, sách để giảng dạy hoặc thậm chí tự do sáng tạo, thiết kế chương trình dạy phù hợp. Học sinh có thể mua sách bài tập để bổ trợ kiến thức. Giáo dục công lập tại Australia là hoàn toàn miễn phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ