Các nước châu Á dạy tiếng Anh thế nào?

GD&TĐ -Châu Á đứng thứ 2 trên thế giới, sau châu Âu, về số lượng người sử dụng tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ.

Học sinh Philippines học phát âm tiếng Anh.
Học sinh Philippines học phát âm tiếng Anh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc giảng dạy tiếng Anh ở châu Á còn đối mặt nhiều khó khăn.

Học từ cuộc sống

Các biển hiệu tại Philippines từ biển công ty, biển chỉ đường, bảng quảng cáo... đều viết bằng tiếng Philippines và tiếng Anh. Trên các kênh phát thanh, tin tức thường được đưa bằng cả tiếng Anh và tiếng Philippines. Đây không phải là tin dịch như thường thấy ở các quốc gia châu Á mà được viết bằng tiếng Anh bởi các phóng viên, biên tập viên người Philippines.

Tại Philippines, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, chỉ xếp sau quốc ngữ là tiếng Philippines. Hầu hết người dân Philippines, từ độ tuổi thanh, thiếu niên đến trung niên, đều có thể sử dụng tiếng Anh cơ bản.

Ngoài lý do Philippines từng là thuộc địa của Mỹ, ngay cả khi giành lại độc lập, nước này vẫn tiếp tục duy trì việc sử dụng tiếng Anh bằng cách đưa ngôn ngữ này vào chương trình phổ thông.

Đến nay, với 2/3 dân số thông thạo tiếng Anh, Philippines trở thành một trong những quốc gia sử dụng tiếng Anh lớn nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng của Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS) dựa trên kết quả thi TOEFL năm 2010, Philippines xếp thứ 35 trên 163 quốc gia về trình độ tiếng Anh.

Tại châu Á, nước này chỉ xếp sau Singapore (xếp thứ 3) và Ấn Độ (xếp thứ 19). Còn theo Chỉ số thông thạo tiếng Anh năm 2017 do Tổ chức EF bình chọn, Philippines đứng thứ 15 trên 80 quốc gia.

Người Mỹ đưa tiếng Anh vào lớp học tại Philippines từ năm 1898 và yêu cầu các trường công lập phải giảng dạy tiếng Anh. Vì vậy, người Philippines thường sử dụng tiếng Anh – Mỹ thay vì Anh – Anh hoặc Anh – Australia.

Trong 3 năm đầu đến trường, trẻ em Philippines học giao tiếp tiếng Anh bằng cách học thuộc lòng các đoạn hội thoại. Ngoài ra, các em phải đọc to, sử dụng mắt, tai và miệng trong quá trình đọc thuộc lòng để vận dụng tối đa giác quan khi tiếp xúc với ngôn ngữ. Chính sách trên vẫn tồn tại sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, khi Philippines giành độc lập.

Từ những năm 1970, chính phủ Philippines quyết định xây dựng Chính sách Giáo dục Song ngữ (BEP) gồm tiếng Philippines và tiếng Anh. Một trong những nguyên nhân chính vì học sinh nước này đạt điểm thấp trong các bài kiểm tra quốc tế về toán và khoa học. Thành tích kém được cho là do trình độ tiếng Anh của học sinh còn thấp vì đây là ngôn ngữ của các bài thi quốc tế.

Theo chính sách song ngữ, tiếng Philippines được sử dụng cho các môn học như Tiếng Philippines, Nghiên cứu Xã hội, Giáo dục Thể chất, Sức khỏe. Tiếng Anh dành cho các môn Tiếng Anh, Khoa học và Công nghệ, Kinh tế Gia đình, Giáo dục Sinh kế.

Kể từ đó, các trường phổ thông tại Philippines sử dụng 3 phương pháp dạy tiếng Anh (ELT). Một là Giảng dạy Ngôn ngữ Giao tiếp (CLT – Communicative Language Teaching) giúp người học rèn luyện khả năng giao tiếp hiệu quả, phù hợp với nhiều tình huống khác nhau.

Hai là Tiếng Anh chuyên ngành (English for Specific Purposes – ESP), không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về tiếng Anh, mà còn giúp người học phát huy khả năng tự tìm tòi và học hỏi bằng ngôn ngữ này.

Cuối cùng là phương pháp Giảng dạy Ngôn ngữ thông qua các nhiệm vụ (Task-Based Language Teaching – TBLT) giúp người học thực hành tiếng Anh từ bài tập, nhiệm vụ học tập. Ngoài ra, giáo viên tiếng Anh được khuyến khích giới thiệu các phương pháp giảng dạy ngôn ngữ mới, sáng tạo.

Nguyên nhân thúc đẩy

Tuy nhiên, người dân Philippines không chỉ học tiếng Anh trong trường học bởi ước tính có đến 30% trẻ em nước này chưa học hết tiểu học. Từng có thời gian tham quan và tìm hiểu Philippines, nhà báo Amy Chavez, làm việc tại tờ The Japan Times, Nhật Bản, cho rằng Philippines là một minh chứng cho việc trình độ tiếng Anh không phụ thuộc vào giáo dục mầm non hoặc tiểu học.

Khả năng thông thạo tiếng Anh của người Philippines đầu tiên đến từ tầm nhìn của chính phủ khi nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ này. Trong khi Mỹ giúp “gieo mầm” học tiếng Anh, chính quốc gia này đã dành nhiều sự quan tâm, nguồn lực để duy trì tiếng Anh sau khi Mỹ rời đi.

Cách tiếp cận tiếng Anh của Philippines cũng khác biệt so với Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc – nơi tiếng Anh được coi là môn học trong trường hơn là phương tiện giao tiếp. Tại Philippines, người dân được tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên trong cuộc sống.

Đặc biệt, những năm gần đây, Philippines cũng là điểm đến du học thu hút đông đảo sinh viên quốc tế do các trường đại học hàng đầu nước này dạy bằng tiếng Anh. Hàng năm, sinh viên từ Iran, Libya, Brazil, Nga, Trung Quốc hay Nhật Bản... đến Philippines du học thay vì chọn các trường đắt đỏ ở Mỹ, Anh, Australia. Điều này cho thấy, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh tại Philippines được đánh giá khá cao.

Tiếng Anh là yếu tố phân biệt giai cấp xã hội tại Ấn Độ.

Tiếng Anh là yếu tố phân biệt giai cấp xã hội tại Ấn Độ.

Một quốc gia khác tại châu Á sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức là Ấn Độ, thậm chí, tiếng Anh tại Ấn Độ được phát triển thành ngôn ngữ riêng là Hinglish (từ ghép của tiếng Hindi và tiếng Anh). Từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20, Ấn Độ là thuộc địa của Anh nên ngôn ngữ này được người Ấn Độ sử dụng rải rác trong giao tiếp thường nhật, pha trộn với tiếng Hindi.

Dần dần, việc sử dụng tiếng Anh trở thành yếu tố phân biệt giữa tầng lớp trung, thượng lưu, những người có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo, và tầng lớp nghèo của Ấn Độ.

Do đó, người dân nước này rất coi trọng tiếng Anh. Ngay cả những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phụ huynh cũng gửi con cái đến các trường song ngữ hoặc trường dạy tiếng Anh tốt dù phải trả học phí cao để con cái có thể tăng địa vị trong xã hội.

Có thể nói, việc tiếng Anh phổ biến tại Ấn Độ phần nào đến từ nhận thức, sự coi trọng của các gia đình đối với ngôn ngữ này và giáo dục tiếng Anh. Nhưng do giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông còn hạn chế, chính phủ nước này đang tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện.

Dự án RightToRead do Công ty công nghệ giáo dục EnglishHelper (EH) thiết kế, sử dụng nền tảng AI hỗ trợ nghe và đọc tiếng Anh của học sinh Ấn Độ được đưa vào hơn 25 nghìn trường công lập từ năm 2021.

Trong lớp học tiếng Anh, giáo viên sẽ mở phần mềm RightToRead trên máy tính và trình chiếu cho học sinh theo dõi. Phần mềm sẽ đọc các đoạn văn tiếng Anh, hướng dẫn học sinh cách phát âm... Học sinh có thể ghi âm lại cách đọc tiếng Anh và phần mềm giúp họ sửa lỗi. Nội dung học trên phần mềm dựa trên chương trình phổ thông tại Ấn Độ.

Dự án RightToRead giúp chính phủ giải quyết bài toán khó trong việc giảng dạy tiếng Anh tại các trường công lập là thiếu giáo viên và trình độ của giáo viên còn hạn chế. Công nghệ AI đã hỗ trợ giáo viên, cải thiện kỹ năng nghe – nói của học sinh như một giáo viên nước ngoài. Từ khi dự án đi vào hoạt động, khả năng nghe và đọc của học sinh các trường công lập tại Ấn Độ được cải thiện từ 20 – 40%.

Tồn đọng nhiều hạn chế

Trẻ em Nhật Bản học tiếng Anh với người nước ngoài.

Trẻ em Nhật Bản học tiếng Anh với người nước ngoài.

Trong hai thập kỷ trở lại đây, Malaysia cũng thúc đẩy giáo dục tiếng Anh trong trường học do lo ngại nước này mất đi lợi thế cạnh tranh toàn cầu khi người dân không thành thạo tiếng Anh. Động thái của Malaysia đã phản ánh xu hướng chú trọng tiếng Anh ở những quốc gia trước đây vốn xem nhẹ ngôn ngữ này và tập trung vào ngôn ngữ bản địa như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cựu Thủ tướng Malaysia, Mahathir bin Mohamad, từng khẳng định tiếng Anh là chìa khóa nắm bắt khoa học trong thời đại công nghệ thông tin. Ông đề xuất các trường trung học đưa tiếng Anh vào giảng dạy song ngữ nhưng vấp phải sự phản đối từ cộng đồng người sử dụng tiếng Mã Lai, tiếng Trung Quốc hay tiếng Tamil vì lo ngại đe dọa đến ngôn ngữ và bản sắc dân tộc.

Tại quốc gia đa dân tộc như Malaysia, ngôn ngữ là vấn đề nhạy cảm. Trước đó, các trường chỉ giảng dạy bằng tiếng Mã Lai, tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Tamil còn tiếng Anh là môn học bắt buộc. Thông thường, môn Tiếng Anh có tối đa 4 giờ/tuần.

Tuy nhiên, từ năm 2003, các trường công lập tại nước này đã giảng dạy Khoa học và Toán học bằng tiếng Anh theo chính sách của Thủ tướng Mahathir.

Cạnh tranh kinh tế cũng là lý do Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc chú trọng vào tiếng Anh. Năm 2003, Nhật Bản gửi 1.000 học sinh phổ thông ra nước ngoài theo chương trình học tập hòa nhập giúp nâng cao khả năng ngoại ngữ. Học sinh sẽ học 3 tháng tại các trường sử dụng tiếng Anh.

Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trung Quốc.

Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trung Quốc.

Còn tại Trung Quốc, từ năm 2003, nhiều trường phổ thông ở các thành phố lớn bắt đầu dạy tiếng Anh từ năm đầu tiểu học dù đây không phải môn học bắt buộc ở cấp học này. Hai trường đại học danh tiếng nhất cả nước là Thanh Hoa và Bắc Kinh cũng sử dụng giáo trình của Mỹ trong các khóa học bằng tiếng Anh như Kinh tế, Sinh học, Công nghệ thông tin.

Sau hai thập kỷ, giảng dạy tiếng Anh tại ba quốc gia này đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong bảng xếp hạng của Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS) dựa trên kết quả thi TOEFL năm 2010, Malaysia có thứ hạng ngang bằng với Philippines (35).

Nhật Bản hiện là điểm đến du học với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh được nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn. Còn Trung Quốc, phụ huynh, đặc biệt tại các thành phố lớn, đổ xô cho con học tiếng Anh từ mẫu giáo và tham gia các cuộc thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế là tiếng Anh tại Nhật Bản hay Trung Quốc, Hàn Quốc còn gói gọn trong một môn học thay vì là phương tiện giao tiếp. Trong bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh năm 2018, Nhật Bản đứng thứ 49 còn Hàn Quốc đứng thứ 31, được xếp vào nhóm sử dụng tiếng Anh lần lượt ở mức thấp và vừa phải.

Theo TS Minh Tran, chuyên gia nghiên cứu tại Tổ chức Giáo dục EF, hạn chế này đến từ yếu tố văn hóa. Ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, giáo dục phụ thuộc vào các bài kiểm tra còn môi trường học thì áp lực cao nên học sinh học ngoại ngữ với thái độ “đạt điểm cao” chứ không phải nhằm mục tiêu sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống.

Ngoài ra, các nước này có quy mô dân số và diện tích quốc gia lớn nên việc đưa tiếng Anh vào giáo dục hoặc giao tiếp thường nhật sẽ gặp khó khăn. Đây cũng là vấn đề của Ấn Độ, nơi người dân sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau và thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng.

“Nếu các quốc gia châu Á muốn cải thiện khả năng học tiếng Anh, họ cần bắt đầu coi ngôn ngữ này như phương tiện để làm việc và giao tiếp. Không chỉ tìm cách dạy tốt hơn, các nước cần tìm phương pháp học tiếng Anh”, bà Amy Chavez cho biết.

Theo TH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ