Quân đội Mỹ cùng với các đồng minh Trung Đông và quân đội Nga buộc phải đối đầu với các cuộc khủng bố bằng drone. Những tháng gần đây, nhiều chuyến bay thương mại tại một số trung tâm bận rộn nhất trên thế giới như New York, London và Dubai liên tục bị hoãn do lo ngại va chạm vào các drone bí ẩn xuất hiện gần sân bay.
Sự gia tăng nguy cơ sự cố đã buộc các cơ quan quản lý, cần tìm ra công nghệ chống drone. Các chuyên gia ngành công nghiệp quốc phòng cho biết phần lớn chi tiêu chống drone vẫn dành cho lực lượng vũ trang.
Theo Hãng Frost & Sullivan ước tính, doanh thu hằng năm của thị trường sản phẩm chống drone sẽ vượt quá 1,2 tỷ đô la Mỹ trong năm tới và đạt mức đỉnh điểm là 1,5 tỷ đô la trong năm 2021. Đây chỉ là một con số nhỏ so với chi tiêu hằng năm cho máy bay chiến đấu, nhu cầu đang tăng trưởng nhanh này có thể trở thành nguồn thu nhập đầy hấp dẫn cho các nhà sản xuất vũ khí.
“Máy bay không người lái đang dần trở thành vấn đề thực sự lớn”, ông Hakan Buskhe - Giám đốc điều hành của Công ty Quốc phòng Thụy Điển Saab AB trao đổi. “Thiết bị chống drone là thứ mà chúng tôi đang thảo luận cùng với nhiều quốc gia và chính quyền trên toàn cầu”, ông Buskhe nói thêm.
Đối với các sân bay, cách chủ yếu để chống lại máy bay không người lái là phá sóng liên kết vô tuyến, điều hướng của chúng.
Các nhà điều hành của ngành công nghiệp vũ khí cho biết, tính đến nay vẫn có rất ít nhà cung cấp công nghệ đầu tư vào lĩnh vực này, mặc dù sân bay Gatwick (London) công bố rằng họ đã trang bị một số thiết bị chống máy bay không người lái cấp quân sự nhưng chưa được giới báo chí xác nhận.
Sân bay Gatwick bị gián đoạn trong 3 ngày vào tháng 12/2018, khi hai chiếc drone vãng lai xuất hiện tại đường bay và gây nguy hiểm tới các chuyến bay. Trong thời gian đó cảnh sát đã được lệnh bắn hạ drone nhưng không đủ phương tiện.
Ngược lại, quân đội thường có nhiều thời gian hơn đưa vũ khí triệt hạ những máy bay không người lái này vì không phải lo về sự có mặt của máy bay hay người dân quanh khu vực họ triển khai khí tài. Điều đó đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu giữa các nhà sản xuất để phát triển công nghệ chống drone mới. Thường các công ty bán drone chính lại là đơn vị tiếp thị thiết bị để triệt hạ chúng.
Các hệ thống chống máy bay không người lái được thiết kế cho lực lượng vũ trang có độ phức tạp khác nhau vì sự đe dọa của máy bay không người lái rất đa dạng, từ thiết bị được sửa đổi theo sở thích tới các hệ thống quân sự tinh vi.
Lockheed Martin Corp. - nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ - trong tháng trước đã hợp tác với hãng Diehl Defence GmbH của Đức và hãng Saab AB của Thụy Điển, để bán ra hệ thống bắn hạ drone, máy bay và tên lửa.
Hệ thống này sử dụng tên lửa để bắn hạ các drone lớn, trong khi radar của vũ khí mới này có thể phát hiện ra những drone nhỏ hơn.