Các nhà nghiên cứu thử nghiệm thuốc chống Covid-19 trên khỉ

Các nhà nghiên cứu thử nghiệm thuốc chống Covid-19 trên khỉ

Kết quả được báo cáo trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ được cho là đã mở ra hy vọng rằng, loại thuốc tên remdesivir có thể chống lại Covid-19 - loại virus khiến hơn 1.300 người thiệt mạng và làm hơn 60.000 người lây nhiễm trên toàn cầu.

Trước đó, remdesivir từng được chứng minh là có khả năng bảo vệ những con khỉ khỏi bị nhiễm virus Ebola. Tuy nhiên, kết quả tương tự không xảy ra ở người.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ (NIAID) cho biết: "Nghiên cứu đã thất bại đối với căn bệnh Ebola, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy nó có thể thành công ở virus Corona".

Các nhà khoa học của NIAID đã thử nghiệm remdesivir ở khỉ trước 24 giờ khi chúng nhiễm MERS và 12 giờ sau khi những con khỉ khác nhiễm bệnh (khung thời gian khi virus hoạt động mạnh nhất ở khỉ). Những con khỉ này sau đó được so sánh với một nhóm khỉ không được điều trị. Kết quả cho thấy, sau 6 ngày, tất cả các con vật không được điều trị đều nhiễm bệnh.

Trong khi đó, những con khỉ được điều trị trước khi nhiễm MERS không mắc bệnh. Nghiên cứu cho thấy, nhóm những con vật này không có dấu hiệu nhiễm bệnh và có mức độ virus trong phổi thấp hơn đáng kể, cũng như không gặp tổn thương phổi.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện, những con khỉ được điều trị sau khi nhiễm bệnh cũng có tiến triển tốt hơn nhóm không được chữa bệnh.

Mặc dù nhiều loại thuốc thành công ở khỉ vẫn thất bại ở người, nhưng các nhà nghiên cứu nhận định, phát hiện của họ củng cố hy vọng cho các nghiên cứu khác về dịch bệnh tại Trung Quốc.

Gần đây, một viện nghiên cứu của Trung Quốc đã sử dụng thuốc thử nghiệm của công ty Gilead để chống lại chủng mới của virus Corona.

Tiến sĩ Marie-Paule Kieny, người từng là nhà virus học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và là đồng chủ trì một diễn đàn nghiên cứu tại Geneva, cho biết các nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ sớm thử nghiệm thuốc trên bệnh nhân. Tuy nhiên, sẽ phải mất vài tuần nữa để biết liệu loại thuốc này có hiệu quả hay không.

TheoReuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ