Tuy nhiên, những cơ quan nghiên cứu khí tượng của Mỹ hiện cho rằng, một số dải tần của các mạng 5G có thể khiến các hoạt động dự báo thời tiết trở nên thiếu chính xác. Nhóm này cũng đã gửi báo cáo phản ánh tới Ủy ban Viễn thông liên bang (FCC) của Mỹ, với yêu cầu tạm hoãn một số dự án triển khai 5G để có thêm thời gian tìm hiểu vấn đề.
Là thế hệ mạng viễn thông kế tiếp sau 4G LTE hiện nay, nhưng 5G sẽ không thay thế hoàn toàn mà thừa hưởng nhiều tính năng từ “đàn anh” (ví dụ như gọi điện thoại hay hỗ trợ xác định vị trí địa lý). Trong số những cải tiến mới, quan trọng hơn cả là độ trễ dữ liệu siêu thấp và khả năng chịu tải của mạng lớn hơn rất nhiều. Hiện nay, các mạng 4G thường bị tắc nghẽn khi có quá nhiều thiết bị cùng truy cập một lúc.
Dù có ưu thế như vậy, nhưng việc triển khai mạng 5G, vốn sử dụng băng tần mm (mmWave), được cho là sẽ dẫm chân lên dải tần của các vệ tinh khí tượng. Một ví dụ là tại Mỹ, nhiều hiệp hội khoa học quốc gia của nước này (trong đó có Hiệp hội Địa vật lý, Hiệp hội Khí tượng và Hiệp hội Thời tiết) phản ánh việc nhà mạng địa phương Ligado Networks được cấp phép dải tần từ 1.500 MHz tới 1.700 Mhz (theo block 40 MHz) sẽ có thể gây nhiễu đối với hoạt động vệ tinh thời tiết vốn sử dụng dải tần 1.675 - 1.680 Mhz. Điều này đặc biệt nghiêm trọng nếu các trung tâm khí tượng bị “bao vây” bởi sóng 5G.
Như thế, dù việc sử dụng dải tần nói trên giúp Ligado có được băng thông dữ liệu cực lớn, nhưng hiện tượng nhiễu sẽ dẫn tới những sai lệch và đình trệ trong hoạt động dự báo thời tiết, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và kinh tế. Do đó, các nhà khoa học cho rằng sự “đánh đổi” là không đáng.
Về phần mình, Ligado Networks bảo vệ quan điểm rằng hệ thống viễn thông 5G của họ không ảnh hưởng tới vệ tinh. Tuy nhiên, kết quả phân xử cuối cùng sẽ phải chờ các cơ quan chức năng của Mỹ vào cuộc.