Nước dường như là thành phần chủ yếu để duy trì sự sống. Nước có thể xuất hiện nhiều trong vũ trụ, mặc dù việc phát hiện nước là rất khó.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành phần khí quyển của 19 ngoại hành tinh có độ lớn từ tiểu Hải vương tinh (lớn hơn Trái đất khoảng 10 lần) đến siêu Mộc tinh (lớn hơn Trái đất khoảng 600 lần). Hơi nước được phát hiện trên 14 ngoại hành tinh, nhưng lượng hơi nước ít hơn so với giả định. Để so sánh: Sự hiện diện của các nguyên tố như kali hay natri trên 6 ngoại hành tinh là phù hợp với dự đoán.
“Chúng tôi phát hiện các dấu hiệu mô hình hóa học trên các ngoại hành tinh và nhận thấy, các ngoại hành tinh rất đa dạng dưới góc độ thành phần hóa học” – Tiến sĩ Nikku Madhusudhan ở ĐH Cambridge (Anh), cho biết như vậy.
5 năm trước, tiến sĩ Madhusudhan là người đầu tiên đo hàm lượng hơi nước trên một ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời) khổng lồ. Từ thời điểm đó đến nay, các nhà khoa học biết thêm nhiều về các ngoại hành tinh. Theo các phát hiện mới nhất, các nguyên tố hóa học không quá phổ biến trên các ngoại hành tinh như dự đoán của các mô hình.
Các hành tinh khí khổng lồ trong Hệ Mặt trời chứa nhiều carbon hơn bản thân Mặt trời. Lý do có lẽ là nước đóng băng và đá đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành các hành tinh này. Cho đến nay, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng tương tự cũng diễn ra đối với các hành tinh khí ngoài Hệ Mặt trời; tuy nhiên các nghiên cứu mới nhất cho thấy hoàn toàn không như vậy.
Hiện giờ, các nhà thiên văn học đang có kế hoạch quan sát một lượng lớn các ngoại hành tinh để kiểm tra xem sự thiếu hụt nước nói trên có thật sự là phổ biến hay không.