Theo PGS, đâu là lực cản lớn nhất cho việc đổi mới dạy và học các môn Khoa học tự nhiên trong nhà trường phổ thông hiện nay?
- “Thói quen là một quyền lực” bởi thói quen được hình thành trên cơ sở “Quy luật về tính hệ thống trong hoạt động thần kinh cấp cao” của vỏ não, vì là qui luật nên không dễ gì bỏ được ngay.
Trong quá trình dạy học và khi học nghề dạy học, giáo viên đã hình thành thói quen dạy học như một hoạt động có tính hệ thống ăn sâu vào từng hoạt động của họ.
Khi thay đổi thói quen dạy học này, đòi hỏi giáo viên hoặc có thời gian tiếp cận cái mới khá lâu hoặc cái mới phải gây ấn tượng mạnh, hoặc cơ quan quản lí phải có những chế tài phù hợp đủ gây nên sự thay đổi trong nhận thức của giáo viên.
Bởi vậy, theo tôi lực cản lớn nhất cho sự đổi mới cách dạy học các môn khoa học tự nhiên hiẹn nay chính là sự bảo thủ với thói quen cũ của hoạt động dạy học.
Vậy, dạy học các môn Khoa học tự nhiên cần thay đổi như thế nào để có thể nhanh chóng tiếp cận với sự đổi mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ năm 2018?
- Trước khi trả lời câu hỏi này tôi có một vài lời bàn như sau: Ban đầu con người khi khám phá tự nhiên không chia thành các môn học. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nguồn thông tin từ tự nhiên càng khám phá càng thấy nhiều vô tận.
Vì thế, người ta phân ra các lĩnh vực khác nhau của tự nhiên để chia nhau đi khám phá rồi dạy lại cách khám phá cho thế hệ sau. Vậy là dần hình thành các môn học nhằm giúp cho người học tìm hiểu chúng dễ dàng và chuyên hóa hơn. Nhưng sự phân chia này lại làm cho tính độc lập của kiến thức trong mỗi môn học ngày càng tăng lên.
Trong khi đó, để hiểu rõ các vấn đề khác nhau của tự nhiên cần có sự phối hợp nhiều kiến thức liên môn. Chính vì thế, chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ năm 2018 vừa có môn Khoa học tự nhiên lại có cả từng môn chuyên ngành (Vật lí, Hóa học, Sinh học…) tùy theo từng cấp học.
Để dạy học môn Khoa học tự nhiên đòi hỏi mỗi giáo viên phải thay đổi cách dạy, từ chỗ tiếp cận đơn môn sang liên môn và đa môn (thực tế từ lâu giáo viên tiểu học đã dạy môn Tìm hiểu tự nhiên và môn Khoa học) bằng cách trước mắt là tự học, tự nghiên cứu kiến thức khoa học ở mức độ phổ thông, tiếp đó là qua các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ các môn Khoa học liên quan.
Về việc dạy học các môn Khoa học tự nhiên chuyên ngành, mỗi giáo viên cần phải biên soạn các bài dạy ở mức độ sâu hơn đối với kiến thức môn của mình; đồng thời có sự lồng nghép với kiến thức các môn học liên quan trên tinh thần coi bài dạy của giáo viên là “bài học” của học sinh.
PGS có thể gợi ý những giải pháp giúp triển khai thành công dạy học tích hợp, dạy học phân hóa các môn Khoa học tự nhiên trong các trường THPT?
- Để triển khai thành công dạy học tích hợp và phân hóa các môn Khoa học tự nhiên, theo tôi cần lưu ý đến 5 vấn đề sau:
Thứ nhất, nên thiết kế đồng bộ hoạt động dạy học và hoạt động kiểm tra đánh giá nhằm tạo ra sức ép buộc hoạt động dạy và hoạt động học phải thích ứng với nhau.
Thứ hai, phải xác định cho giáo viên nhận thức rõ dạy học tích hợp và phân hóa là xu thế tất yếu không thể khác nếu chúng ta muốn hòa nhập với giáo dục toàn cầu.
Thứ ba, cần bồi dưỡng giáo viên theo định hướng đổi mới và đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm cần phải có những đột phá như trong chương trình học vừa có các môn học đại cương (nhằm tích hợp) vừa có các môn chuyên ngành (nhằm phân hóa).
Thứ tư, việc giáo viên xây dựng các “bài toán” trong thực tiễn hay các đề tài khoa học liên ngành đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết.
Và cuối cùng, đó là việc đồng bộ hóa cơ sở vật chất tại mỗi trường học nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp và phân hóa tại mỗi địa phương.
Xin cảm ơn PGS!