Trước đây, đã có rất nhiều phương tiện truyền thông cảnh báo về hiện tượng bụng những con chim biển chứa đầy nhựa. Cho đến nay, các nhà khoa học lại một lần nữa nhấn mạnh tình trạng báo động: có đến 90% các loài chim biển ăn phải nhựa. Con số có thể tăng đến 95% vào năm 2050.
“Tình trạng thực sự vượt quá cả mức báo động, nó chỉ ra cho chúng ta sự ô nhiễm rác thải nhựa có ở khắp mọi nơi trên mặt biển”, Chris Wilcox, tác giả bài báo khoa học đăng trong Kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kì cho biết.
Môi trường sống của chim biển bao phủ bởi nhựa
Nhựa là vật chất đánh dấu cho một xã hội hiện đại, tuy nhiên nó cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng một cây số vuông mặt biển có thể chứa tới 580.000 mảnh túi nilon, nắp chai và sợi nhựa. Đảo rác lớn nhất Thái Bình Dương mà chúng ta thường hay nghe nói, chúng là một vòng xoáy chứa đầy các mảnh ghép Lego, bàn chải đánh răng, đệm mút và các sản phẩm không phân hủy được. Quy mô của đảo rác này có thể bao trùm cả một khu vực rộng hơn bang Texas của Mỹ.
Trong bài báo khoa học, các nhà nghiên cứu đã tập hợp dữ liệu về tỉ lệ nhựa trong đường tiêu hóa của gia cầm từ năm 1962 đến 2012. Theo đó, trung bình 29% các loài chim có nhựa trong ruột của chúng. Tuy nhiên, khi sử dụng mô hình máy tính với các biến số là phạm vi phân phối các mảnh nhựa và khu sinh sống của gia cầm, các nhà khoa học ước tính 90% các loài chim biển đang ăn phải nhựa.
Đồng tác giả nghiên cứu, Denise Hardesty nhớ lại cảnh ông mổ bụng một con chim chết. Trong bụng nó chứa đầy bóng bay, các mảnh bật lửa và đồ chơi. Ông nói rằng Ngay cả khi ăn phải một lượng nhỏ nhựa cũng khiến sức khỏe những con chim bị ảnh hưởng. Chưa có nghiên cứu cụ thể đối với trường hợp này, tuy nhiên mỗi mảnh nhựa được phân tích bám đầy những chất hữu cơ độc hại với nồng độ gấp 1 triệu lần nước biển xung quanh.
Chúng ta càng sản xuất nhiều nhựa, đại dương càng ô nhiễm
Mặt khác của vấn đề, phải nói đến sản lượng nhựa của thế giới. Loài người sản xuất một lượng nhựa tăng gấp đôi mỗi 11 năm. Điều này có nghĩa là từ nay đến năm 2026, chúng ta sản xuất một lượng nhựa bằng với toàn bộ số lượng chúng ta sản xuất từ ngày bình minh nền công nghiệp. Và rồi một lượng lớn gấp đôi nữa sẽ lại xuất hiện trên đại dương. Với tình trạng này, chương trình mô phỏng các nhà khoa học dự đoán đến năm 2050, có tới 95% các loài chim biển sẽ ăn phải nhựa.
Một cảnh báo không chỉ với các loài chim biển, nhựa làm ô nhiễm bất kể một môi trường nào chứa nó. Tất cả những gì chúng ta phải làm đơn giản là giảm ngay hiệu suất của ngành công nghiệp sản xuất nhựa và chất dẻo. Tái chế những sản phẩm có thể tái chế và mang túi giấy và túi vải đến các cửa hàng tạp hóa.
“Ngay cả những biện pháp đơn giản như vậy cũng sẽ tạo nên sự khác biệt”, Hardesty nói. “Các nỗ lực giảm lượng nhựa và chất dẻo thải vào môi trường ở Châu Âu đang ảnh hưởng tích cực lên những số liệu nghiên cứu. Lượng nhựa trong dạ dày chim biển ghi nhận được ở khu vực này trong vòng một thập kỷ đã giảm hẳn. Đây là một dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa”.