Bước ra khỏi đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản năm 2022 đã có nhiều cơ hội để hồi phục và phát triển. Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, ngay từ đầu quý I, nền kinh tế trong nước đã bắt đầu duy trì đà phục hồi, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng, kinh doanh được khơi thông.
Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đã bước vào xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, trong năm 2022, thị trường bất động sản cũng ghi nhận nhiều khó khăn khi sức mua, thanh khoản giảm mạnh, dòng tiền bị nghẽn. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2022, bất động sản chịu nhiều tác động bởi ngân hàng nhà nước thắt chặt room tín dụng. Cuộc đua lãi suất huy động ngày càng nóng khi các ngân hàng liên tục cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức tăng cao chưa từng có.
Cụ thể, nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động cao nhất lên trên 8%. Một số ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất huy động tới 9-10%/năm. Thậm chí, thị trường đã xuất hiện mức lãi suất tiết kiệm 11%/năm.
Trước những thách thức của thị trường bất động sản, ngày 17/11/2022 Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương doanh nghiệp. Theo đó, nhiều thông tin tích cực rằng ngân hàng nhà nước sẽ xem xét và nới lỏng room tín dụng trong thời gian tới. Đây là những thông tin tích cực sẽ giúp thị trường bất động sản có tiềm năng tăng trưởng vào đầu năm 2023.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có công điện 1164/CĐ-TTg nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Cụ thể, các chính sách này nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên góp phần phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Thị trường bất động sản sẽ có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. |
Theo dự báo của các chuyên gia, trong quý I/2023, thị trường bất động sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhưng vẫn còn trầm lắng, do trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Nguồn cung thị trường vẫn hạn chế do quá trình chuẩn bị và triển khai các thủ tục pháp lý dự án cần thêm thời gian.
Bước sang quý II, quý III/2023, thị trường sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý. Từ đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự báo, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản năm 2023, chuyên gia nhận định, điều tiên quyết là sớm tháo gỡ nút thắt về pháp lý, vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, thậm chí phải có giải pháp mạnh để kích cầu.
Do đó, nếu đầu năm 2023 tăng trưởng tín dụng nới lỏng, thị trường cũng theo đà phục hồi nhanh. Tăng trưởng tín dụng và chính sách chính là những gam màu sáng cho bức tranh thị trường bất động sản để hoàn toàn có thể kỳ vọng thời gian “đảo chiều” và phục hồi sớm hơn, dự kiến sẽ vào khoảng cuối năm 2023”.
Cùng quan điểm theo ông Trần Kim Chung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2023, Việt Nam có rất nhiều động lực để thị trường bất động sản phát triển tốt hơn.
Trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài có triển vọng gia tăng chính là cơ hội tốt để phát triển thị trường bất động sản công nghiệp. Du lịch hồi phục sẽ kéo nhu cầu thị trường đi lên. Thị trường tín dụng, chứng khoán đang tăng trở lại sẽ gia tăng lượng tiền vào thị trường. Nguồn vốn huy động từ trái phiếu cũng sẽ ít khó khăn hơn khi chính sách được sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn.