Các khoản thu xã hội hóa trong nhà trường, thực hiện sao cho đúng

GD&TĐ - UBND huyện Hải Hậu (Nam Định) yêu cầu, khi thực hiện các khoản thu xã hội hóa trong nhà trường phải công khai, minh bạch.

Năm học 2022-2023, học sinh trên cả nước được đến trường học trực tiếp sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.
Năm học 2022-2023, học sinh trên cả nước được đến trường học trực tiếp sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Theo bà Lưu Thị Nghiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu (Nam Định), cơ quan này đã quán triệt tới các đơn vị trực thuộc về việc thực hiện quản lý thu chi các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập năm học 2022-2023.

Thực hiện theo các văn bản, chỉ đạo từ HĐND - UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Nam Định, huyện Hải Hậu yêu cầu các nhà trường trên địa bàn trước khi thu phải có dự toán chi tiết thu, chi từng khoản. Mức thu không vượt quá mức thu tối đa quy định tại Nghị quyết số 17/2021 của HĐND tỉnh Nam Định. Trước khi thực hiện thu phải báo cáo và được sự đồng ý của cơ quan chủ quản trực tiếp.

Một trong những nội dung quan trọng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân đó là công tác xã hội hóa giáo dục. Ngày 4/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025.

"Trong năm học 2022-2023 này, dù dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, song việc phục hồi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, các cơ sở giáo dục phải tính toán kỹ lưỡng việc huy động cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương; nghiêm cấm việc đặt ra các khoản thu trái quy định" - bà Lưu Thị Nghiêm nhấn mạnh.

Cô trò Trường Tiểu học Hải Anh cùng nhau tới trường sau thời gian nghỉ dịch.

Cô trò Trường Tiểu học Hải Anh cùng nhau tới trường sau thời gian nghỉ dịch.

Ngoài ra, căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học và dự toán ngân sách được cơ quan nhà nước giao, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS xây dựng kế hoạch vận động tài trợ xin ý kiến UBND xã/thị trấn; sau đó báo cáo phòng GD&ĐT huyện phê duyệt. Trung tâm GDNN-GDTX xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo phòng Tài chính - Kế hoạch huyện phê duyệt. Các trường phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức vận động tài trợ.

Sau khi vận động tài trợ, cơ sở giáo dục phải thành lập Tổ tiếp nhận tài trợ. Tổ này bao gồm: Thủ trưởng cơ sở giáo dục; kế toán; Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc đại diện Đoàn thanh niên, đại diện của cộng đồng dân cư trên địa bàn đặt trụ sở của cơ sở giáo dục (nếu có).

Tổ tiếp nhận tài trợ cần phổ biến, thông tin rộng rãi mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc của hoạt động tài trợ; cung cấp thông tin về thời gian, địa chỉ, tên và số tài khoản tiếp nhận tài trợ của cơ sở giáo dục; nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất.

Đối với các khoản tài trợ bằng tiền, nhà trường phải mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi riêng số tiền được tài trợ; mở thêm một tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận đối với khoản tài trợ được chuyển khoản. Với khoản tài trợ bằng hiện vật, cơ sở giáo dục phối hợp với Tổ tiếp nhận tài trợ có trách nhiệm thực hiện các thủ tục nhận bàn giao, chuẩn bị mặt bằng, kho bãi để bảo quản hiện vật tài trợ đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng...

Các khoản thu phải được niêm yết công khai tại đơn vị, thông báo rộng rãi trên hệ thống phương tiện truyền thông để nhân dân, cha mẹ học sinh biết và thực hiện. Các cơ sở giáo dục thực hiện giãn thu, không thu dồn vào đầu năm học gây khó khăn cho cha mẹ học sinh. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm về các khoản thu, chi. Phòng GD&ĐT huyện thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trực thuộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ