Các hãng dược phẩm lớn phản đối sau khi Tổng thống Mỹ kêu gọi bỏ bằng sáng chế vaccine COVID - 19

GD&TĐ - Một cơ quan quốc tế đại diện cho các hãng dược phẩm lớn đã phản đối đề xuất của phía Mỹ, đồng thời đưa ra khẳng định quyền sở hữu trí tuệ (IP) đối với vaccine ngừa COVID - 19.

Một người đi ngang qua trụ sở Manhattan của Pfizer ở thành phố New York.
Một người đi ngang qua trụ sở Manhattan của Pfizer ở thành phố New York.

Trong một tuyên bố hôm thứ tư, Liên đoàn các Nhà sản xuất Dược phẩm Quốc tế (IFPMA) cũng đã đưa ra chỉ trích về kế hoạch IP sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden lên tiếng ủng hộ ý tưởng này.

"Quyết định ủng hộ việc từ bỏ bằng sáng chế đối với vaccine COVID - 19 của chính phủ Mỹ thật đáng thất vọng", IFPMA cho biết, đồng thời bình luận thêm rằng việc từ bỏ IP "sẽ không giúp tăng sản lượng cũng như không cung cấp các giải pháp cần thiết để chống lại cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, mà ngược lại nó có khả năng dẫn đến sự gián đoạn trong quá trình sản xuất và phân phối". 

Khi khẳng định đề xuất huỷ bỏ bằng sáng chế vaccine COVID - 19 là "giải pháp sai cho một vấn đề phức tạp", nhóm này lập luận rằng các nỗ lực trong tương lai nên tập trung vào việc loại bỏ các rào cản thương mại giữa các quốc gia, giải quyết các nút thắt trong chuỗi cung ứng và kêu gọi "các nước giàu chia sẻ lượng vaccine dự trữ với các quốc gia có thu nhập thấp.”

Các thành viên IFPMA bao gồm một số hãng dược phẩm lớn nhất thế giới trong đó có AstraZeneca, Bayer, Eli Lilly, La Roche, GlaxoSmithKline, Johnson & Johnson, Merck và Pfizer. 

Theo New York Times, Pfizer đã hợp tác hãng dược phẩm BioNTech của Đức để phát triển vaccine, và trong ba tháng đầu năm 2021 doanh thu đạt được là 3,5 tỷ USD. 

Trong khi nhiều thành phần của loại vaccine được cấp IP cho BioNTech, một cơ quan liên bang của Hoa Kỳ đã sở hữu IP cho một bước đột phá công nghệ quan trọng giúp vaccine trở nên khả thi, nhờ đó, nó đã được cấp phép sử dụng.

Mặc dù sự ủng hộ của Tổng thống Biden đối với việc miễn bằng sáng chế đã nhận được lời khen ngợi từ nhiều nhà lãnh đạo, bao gồm cả từ người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhưng cũng có nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới ngoài các hãng dược phẩm lớn cũng đã lên tiếng phản đối ý tưởng này.

Cuối tháng trước, tỷ phú Bill Gates đưa ra khẳng định rằng IP gây ảnh hưởng đến việc phân phối, đồng thời cảnh báo rằng việc loại bỏ các bằng sáng chế sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng vaccine được sản xuất và liệu khi đó vaccine có còn “an toàn cho người dùng”. 

Dù kêu gọi "quyền tiếp cận công bằng" đối với vaccine, song tỷ phú Bill Gates vẫn ủng hộ quyền sở hữu trí tuệ độc quyền cho các công ty dược phẩm - các tổ chức quốc tế đã đề xuất tạo ra C-TAP, sáng kiến cho việc ​​các công ty sẽ "tự nguyện chia sẻ kiến thức, bản quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu liên quan đến công nghệ y tế sản xuất vaccine Covid-19".

Khái niệm này ban đầu được nêu ra hồi tháng 5 năm ngoái, nhưng cho đến nay vẫn nhận được rất ít sự ủng hộ từ các công ty tư nhân, vốn luôn tranh cãi về các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ