Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm vaccine phòng Covid-19

Những lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên về Việt Nam hiện mới đang được ưu tiên tiêm cho những người ở tuyến đầu chống dịch.

Nguồn vaccine sẽ được cung cấp về Việt Nam đến nay mới chắc chắn có khoảng 60 triệu liều, liệu đến bao giờ, người dân mới được tiếp cận vaccine phòng Covid-19. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc đua tìm kiếm nguồn vaccine phòng Covid-19

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 14-4, Bộ Y tế khẳng định, thế giới đang có hiện tượng vaccine cung cấp không đủ mua, đang ở trong “cuộc đua tranh khốc liệt”. Do đó, Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc mới trong tiếp cận, đàm phán mua các nguồn vaccine, thậm chí “phải chấp nhận rủi ro mới tiếp cận được nguồn vaccine”.

Ngoài AstraZeneca, ngày 23-3, vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga, phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam. Đây là vaccine Covid-19 thứ hai được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp. 

Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac) đang đàm phán với nhà sản xuất vaccine Sputnik V với số lượng tối đa và cung ứng trong thời gian sớm. Tuy nhiên hiện chưa có kế hoạch và số lượng có thể cung ứng cho Việt Nam.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, việc tìm kiếm, thỏa thuận để có được vaccine là sự quan tâm của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay các hãng sản xuất vaccine cũng như lượng vaccine đủ tiêu chuẩn lưu hành đang còn hạn chế, lượng cung quá thấp so với lượng cầu vì thế, cuộc đua tìm kiếm vaccine đang diễn ra hết sức nóng bỏng.

Việt Nam mới chắc chắn có 60 triệu liều vaccine phòng Covid-19

Đến nay, Việt Nam mới tiếp nhận được những liều vaccine đầu tiên của hãng AstraZeneca. Ngày 24-2, Việt Nam đã nhận hơn 117.000 liều trong tổng số 30 triệu liều vaccine Covid-19 từ hãng AstraZeneca, do Công ty VNVC đặt mua.

Chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu khoảng hai tuần, ngày 1-4, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận 811.200 liều vaccine phòng Covid-19 của COVAX Facillity thông qua UNICEF.

Như vậy, Việt Nam đã có khoảng 200 nghìn liều vaccine phòng Covid-19 để phục vụ tiêm chủng và đã được phân phối tới đợt thứ 2 cho các tỉnh, thành phố.

COVAX cam kết cung cấp cho Việt Nam 4,176 triệu liều vaccine Covid-19 trong các đợt từ nay đến cuối tháng 5-2021. Các lô còn lại trong cam kết 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của COVAX sẽ về đến Việt Nam vào cuối năm nay và đầu năm 2022. Toàn bộ số vaccine này sẽ được COVAX cung cấp miễn phí thông qua UNICEF mua và cung ứng.

Hiện chúng ta mới chắc chắn có 60 triệu liều, bao gồm 30 triệu liều từ chương trình COVAX và 30 triệu liều đặt mua từ hãng AstraZeneca cam kết cung cấp cho Việt Nam.

Tính đến ngày 17-4, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại 22 tỉnh, thành phố cho 67.789 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an.

Thiếu gần 2/3 liều vaccine, Việt Nam đang tích cực tiếp cận các nguồn vaccine Covid-19

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ước tính năm 2021, để tiêm đủ cho dân số, Việt Nam cần tới 150 triệu liều vaccine. Như vậy, để tạo ra miễn dịch cộng đồng với hơn 80% dân số được tiêm, chúng ta vẫn còn thiếu gần 2/3 liều vaccine.

Theo Bộ Y tế, bên cạnh nhóm ưu tiên, khi nguồn cung vaccine tăng lên, việc tiêm chủng sẽ mở rộng nhiều nhóm đối tượng và theo yêu cầu. Với hình thức tiêm dịch vụ, người dân có nhu cầu có thể tiếp cận vaccine một cách công bằng với tiêu chí công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả.

Thế nhưng, đây vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ khi chưa có thêm tín hiệu khả quan nào về số lượng vaccine sẽ về Việt Nam trong thời gian tới đây.

Hiện nay, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đưa vaccine COVAX về Việt Nam đúng cam kết, đồng thời mở rộng tìm nguồn cung cấp từ các hãng dược phẩm khác trên thế giới. Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức, trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vaccine phòng Covid-19.

Trong hai tuần đầu tháng 4-2021, GS, TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Y tế đã có bảy cuộc tiếp và làm việc với Trưởng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như WHO, UNICEF, UNFPA; đại sứ các nước Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, Ấn Độ; tham tán công sứ Nga về các vấn đề liên quan đến vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.

Trước tình trạng cạnh tranh khốc liệt để có được vaccine tiêm phòng dịch Covid-19, hơn lúc nào hết, ngành y tế rất cần các đơn vị trong nước có đủ tiêu chuẩn và năng lực tiếp cận nguồn vaccine cùng đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nhập khẩu về Việt Nam.

Hiện nay, theo thông tin từ Bộ Y tế, một số tập đoàn dược phẩm uy tín trong nước đã đăng ký với Bộ Y tế về việc tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine của Mỹ và Ấn Độ, trong số các tập đoàn đó có Vimedimex. Thông tin từ ThS, BS Trần Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex cho biết, ngày 5-2-2021, Công ty Vimedimex đã gửi Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế văn bản số 28/2021/CV-VMD về việc tìm kiếm đối tác vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để nhập khẩu về Việt Nam. Ngày 8-2-2021, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có Công văn số 923/QLD-KD hoan nghênh nỗ lực của Công ty Vimedimex trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng vaccine bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam trên cơ sở phù hợp với các quy định tại Luật dược và các văn bản quy phạm pháp luật về dược có liên quan.

ThS, BS Trần Mỹ Linh, Tổng Giám đốc chia sẻ thêm, thực hiện chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong trận chiến chống Covid-19, nhằm đem đến cho người dân Việt Nam vaccine phòng chống Covid-19 sớm nhất có thể, ngày 1-4-2021, Công ty Vimedimex đã chính thức cử đại diện của công ty tại Mỹ làm việc với đại diện của Công ty Moderna và Công ty SB Capital.

Quá trình làm việc ba bên gồm Công ty Moderna, Công ty SB Capital và Công ty Vimedimex, đã thống nhất năm 2021 bán cho Công ty Vimedimex 20 triệu liều vaccine và công ty đang nỗ lực làm việc xin chấp thuận từ Chính phủ Mỹ cho phép xuất khẩu vaccine Moderna sang thị trường Việt Nam.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, năm 2021, Việt Nam sẽ có thêm 20 triệu liều vaccine Moderna được nhập về Việt Nam, phần nào chia sẻ bớt gánh nặng nhu cầu vaccine trong nước.

Với dân số 100 triệu người, Việt Nam phải có các giải pháp để có vaccine phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, không kể đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân nhập khẩu, vaccine phòng Covid-19.

Theo nhandan.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.