Các điều khoản sửa đổi Luật Giáo dục mang tính thực tế hơn

GD&TĐ - NGND Lưu Xuân Giới, Hội thẩm nhân dân Toà án thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đồng tình với nhiều nội dung bổ sung, sửa đổi của Dự thảo Luật GD. Ông đặc biệt nhấn mạnh, các điều khoản sửa đổi của Luật mang tính thực tế hơn, giúp hoạt động của các nhà trường thuận lợi và phát triển tốt, người học có thêm nhiều hơn cơ hội học tập và hướng nghiệp sau này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Lưu Xuân Giới cho rằng, ở cấp học phổ thông, hướng nghiệp và phân luồng rất quan trọng. Đây là yêu cầu cần có để định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau này. Quan trọng là vậy, nhưng Luật Giáo dục năm 2005 lại không quy định cụ thể về hướng nghiệp và phân luồng, những nội dung liên quan chỉ được quy định trong các văn bản dưới luật như: Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 19/9/2013 và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, ở các trường phổ thông, công tác hướng nghiệp đã có nhiều biến chuyển, hoạt động tư vấn nghề và tư vấn tuyển sinh được sự phối hợp giữa trường phổ thông và trường đại học đã giúp người học hiểu biết rõ hơn về ngành nghề, để đưa ra lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, nếu vấn đề hướng nghiệp cho học sinh được luật hóa thì sẽ tạo hành lang pháp lý giúp việc triển khai thực hiện hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung các định nghĩa về “hướng nghiệp” và “phân luồng” sẽ giúp minh bạch, rõ ràng hơn trong việc thực thi Luật. Dự thảo đã thể hiện tư tưởng, định hướng phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT, tạo điều kiện thuận lợi cho hướng nghiệp và phân luồng triển khai.

Luật chỉ rõ: Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài nhà trường để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp và có khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học ở cấp học hoặc trình độ cao hơn, phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân và nhu cầu xã hội.

Liên quan đến đầu tư Nhà nước trong giáo dục, NGND Lưu Xuân Giới cũng đồng quan điểm với chỉnh sửa, bổ sung. Cụ thể tại Khoản 1 Điều 94 Dự thảo quy định NSNN chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi NSNN hàng năm như vậy cũng nhằm khẳng định chủ trương của Nhà nước quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục.

Thêm nữa, việc đưa quy định vào Luật cũng để các cơ quan hữu trách ở các cấp khi phê chuẩn dự toán ngân sách cấp mình, địa phương mình phải bố trí tối thiểu 20% tổng chi NSNN cho GD-ĐT. Việc bổ sung vào Điều 94 Dự thảo ưu tiên trong việc phân bổ nguồn ngân sách cho giáo dục là để thực hiện phổ cập GD, phát triển GD ở vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tránh trường hợp cào bằng trong phân bổ kinh phí ngân sách cho GD như trước đây là hoàn toàn hợp lý.

NGND Lưu Xuân Giới đặc biệt nhấn mạnh, xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng. Tuy nhiên, để xã hội hóa giáo dục được triển khai một cách hiệu quả, thu hút các nguồn lực xã hội thì cần luật hoá điều này. Ông hoàn toàn đồng tình với hướng chỉnh sửa bổ sung quy định liên quan trong Luật Đất đai, các Luật về thuế, tín dụng... theo hướng quy định cụ thể và tăng mức ưu đãi đối với xã hội hóa giáo dục.

Ông cũng tán đồng với Khoản 5 Điều 96 Dự thảo quy định: “Không được lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật” để tránh hiện tượng lạm thu nhân danh “xã hội hóa giáo dục".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.