Các bước sơ cứu đuối nước đúng cách

GD&TĐ - Bé gái 5 tuổi bị đuối nước tại bể bơi khách sạn ở Hạ Long (Quảng Ninh) may mắn được khách du lịch là bác sĩ cứu sống.

Khi xảy ra đuối nước, việc sơ cứu ban đầu là hết sức quan trọng. Ảnh minh hoạ.
Khi xảy ra đuối nước, việc sơ cứu ban đầu là hết sức quan trọng. Ảnh minh hoạ.

Bác sĩ Hoàng Anh Tuấn, Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kể lại: “18 giờ hôm ấy, khi đang bơi tại bể bơi của khách sạn thì tôi nghe thấy tiếng kêu cứu. Một bé gái bị đuối nước được đưa lên bờ và một người đàn ông dốc ngược cháu để nước chảy ra.

Tuy nhiên, tình trạng tím tái của cháu bé không cải thiện. Nhận thấy cháu bé nguy kịch, tôi và bác sĩ Hà Hoài Nam (cùng khoa) đã đặt cháu bé xuống nền cứng và tiến hành hồi sinh tim phổi: Ép tim ngoài lồng ngực kèm thổi ngạt”.

Sau khoảng 2 phút ép tim, nhận thấy trong khoang miệng bé có nhiều thức ăn từ dạ dày trào ngược lên, bác sĩ Nam đã cùng một bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khai thông đường thở cho cháu bé. Sau 5 phút cấp cứu, cháu bé đã có ý thức, tỉnh lại và bé được đưa đến trung tâm y tế gần nhất để tiếp tục điều trị.

Theo bác sĩ Hoàng Anh Tuấn, khi xảy ra đuối nước, việc sơ cứu ban đầu là hết sức quan trọng. Trong trường hợp này, vác nạn nhân đuối nước dốc ngược nạn nhân xuống là cách sơ cứu chưa phù hợp.

Với cách sơ cứu như vậy, nhiều người lầm tưởng động tác này giúp loại bỏ nước ra khỏi hệ hô hấp của trẻ và giúp bé có thể tự thở được. Tuy nhiên, việc đó chỉ làm chậm trễ các bước sơ cứu quan trọng hơn, bao gồm hồi sức tim phổi.

Lượng nước đi vào phổi khi bị đuối nước thường không nhiều. Nước có thể được thải ra ngoài khi thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và khi trẻ có thể tự thở. Trì hoãn việc hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực làm tăng nguy cơ tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy.

Việc cần làm đầu tiên trong sơ cứu trẻ đuối nước là đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước. Sau đó, đánh giá tình trạng của trẻ xem có ngừng thở, ngừng tim hay không. Nếu có, cần nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi.

Đồng thời, báo người xung quanh gọi cấp cứu 115. Vị trí ép tim: Trên xương ức, ngang với đường nối 2 núm vú. Ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 - 1/2 lồng ngực. Tốc độ ép tim 100 lần/phút.

Nếu chỉ có một mình cấp cứu, cần thực hiện 30 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần. Nếu có 2 người cấp cứu, cần thực hiện 15 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần. Sau mỗi 2 phút, cần đánh giá lại xem trẻ có thở lại hay không, có mạch không? Sau khi trẻ có nhịp tim và nhịp thở trở lại, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để kiểm tra chức năng sau hồi sinh tim phổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.