Cả nước tuyển dụng được trên 19.400 giáo viên

GD&TĐ - Tính đến tháng 4/2024, các địa phương đã tuyển dụng được trên 19.400 giáo viên trong tổng số hơn 27.800 biên chế được bổ sung.

Cả nước tuyển dụng được trên 19.400 giáo viên

Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục (năm học 2022-2023 bổ sung 27.850 biên chế và năm học 2023-2024 bổ sung 27.826 biên chế), Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao; đồng thời, đổi mới quy trình giao biên chế và tổ chức tuyển dụng giáo viên của các địa phương bảo đảm tuyển dụng kịp thời số biên chế được giao chưa sử dụng.

Các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng và đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, năm học 2023 - 2024 (tính đến tháng 4/2024), các địa phương đã tuyển dụng được trên 19.400 giáo viên trong tổng số hơn 27.800 biên chế được bổ sung.

Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã phát triển về số lượng, khắc phục những bất cập về cơ cấu. Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là hơn 1,2 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, tăng hơn 17.200 giáo viên so với năm học 2022 - 2023 và trên 99.400 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 723 cán bộ quản lý so với năm học 2022 - 2023).

giaovien.png

Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.

Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu hơn 113.400 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do sức hút vào Ngành còn hạn chế. Tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu.

Việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.

Bên cạnh đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng. Công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật…

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng quy định thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non).

Bộ GD&ĐT đang triển khai nghiên cứu chế độ phụ cấp ưu đãi viên chức ngành giáo dục và thực hiện rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách về chế độ tiền lương đối với viên chức các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, chỉ đạo tổ chức, triển khai bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh viên chức trong các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các Sở GD&ĐT, đại học, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm báo cáo, cập nhật thông tin phục vụ thực hiện chính sách tiền lương mới và kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã suy giảm ham muốn tình dục. Ảnh minh họa: L.N

Phái mạnh cũng có lúc 'yếu'

GD&TĐ - Sức khỏe sinh lý từ lâu đã được coi là biểu tượng làm nên bản lĩnh và sự tự tin của phái mạnh.