Tuyển dụng giáo viên chuẩn bị cho năm học mới: Việc chờ… người

GD&TĐ - Song song với triển khai kế hoạch tuyển dụng GV, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng phương án bù lấp để đảm bảo nguyên tắc có HS là có giáo viên.

Cô trò Trường Mầm non xã Đăk Rơ Ông (Tu Mơ Rông, Kon Tum). Ảnh: Dung Nguyễn
Cô trò Trường Mầm non xã Đăk Rơ Ông (Tu Mơ Rông, Kon Tum). Ảnh: Dung Nguyễn

Giải bài toán đội ngũ

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Điện Biên, toàn ngành còn thiếu 2.008 giáo viên so với định biên. Khó tuyển dụng và bổ sung nhất là giáo viên các môn chuyên biệt như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Công nghệ. Trong đó, cấp học mầm non thiếu 980 giáo viên, 233 tiểu học, 533 THCS và 262 giáo viên THPT. Các huyện có tỷ lệ thiếu giáo viên cao là Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa. Tại huyện Tủa Chùa, để chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, hiện còn thiếu hơn 400 giáo viên.

Năm 2023 huyện Tủa Chùa đã thực hiện kế hoạch tuyển dụng 73 viên chức, nhưng vẫn không tuyển đủ giáo viên môn Tiếng Anh. Năm 2024, Tủa Chùa tuyển dụng thêm 99 giáo viên, trong đó, số lượng giáo viên Tiếng Anh cần tuyển thêm gần 30 người.

Ông Vũ Đức Biểu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) cho biết: “Hiện nguồn tuyển tại chỗ rất hạn chế. Các huyện trong tỉnh được giao bổ sung chỉ tiêu biên chế và thực hiện tuyển dụng. Trong khi huyện Tủa Chùa là địa bàn xa xôi, khó khăn nên số lượng dự tuyển không nhiều. Việc bố trí giáo viên cho năm học tới còn gặp nhiều khó khăn”.

Theo ông Vũ Đức Biểu, tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn như Mỹ Thuật, Âm nhạc có giải pháp khắc phục được vì thầy cô có thể đảm đương dạy trái môn. Ở cấp THCS, các thầy cô Toán – Tin có thể dạy song song. Tuy nhiên, đây là giải pháp trước mắt. Còn với giáo viên Tiếng Anh, để không bị trống lớp, các trường đang áp dụng hình thức dạy tăng tiết, hoặc phòng GD&ĐT phân công giáo viên dạy 2 cấp học theo cụm xã. Nhưng đối với môn Tiếng Anh và Tin học ở cấp tiểu học là khá khó khăn.

Tương tự, năm học 2023 - 2024, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chỉ có một hồ sơ đăng ký tuyển dụng đối với vị trí giáo viên Tin học, giáo viên Tiếng Anh có 3 hồ sơ dự tuyển. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển dụng cho hai môn học này không hạn chế.

Năm học 2024 - 2025, huyện Kỳ Sơn tuyển dụng 154 chỉ tiêu giáo viên cho 3 cấp học. Ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Chúng tôi ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, Tin học và Tiếng Anh. Sau khi tuyển dụng nếu không đủ, phòng GD&ĐT sẽ sử dụng phương án các trường hỗ trợ nhau”.

Đối với môn Tin học, ngoài số giáo viên đã có, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn tính đến phương án bố trí giáo viên văn hoá có chứng chỉ Tin học để phân công đứng lớp... Hiện, huyện cử 30 giáo viên văn hoá đi học bồi dưỡng môn Tin học để về tham gia giảng dạy. Riêng môn Tiếng Anh, nếu tuyển không đủ, sẽ duy trì hình thức phân công giáo viên dạy liên trường như năm học 2023 - 2024.

viec cho nguoi (3).jpg
Giờ học của thầy và trò tỉnh Điện Biên. Ảnh: Minh Đức

Hợp đồng giáo viên dạy online

Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) rà soát và phối hợp với phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên còn thiếu.

Theo kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên, năm học 2024 - 2025 huyện Tu Mơ Rông tuyển 64 chỉ tiêu viên chức ngành Giáo dục, gồm: Giáo viên hạng III các cấp từ mầm non đến THCS (17 chỉ tiêu giáo viên mầm non, 25 giáo viên tiểu học và 22 chỉ tiêu giáo viên THCS).

Đối với cấp tiểu học, huyện Tu Mơ Rông thiếu 13 giáo viên dạy đa môn, 7 giáo viên Tiếng Anh, 3 giáo viên Tin học, giáo viên Âm nhạc và Thể dục mỗi môn 1 chỉ tiêu. Địa phương cũng cần thêm 22 chỉ tiêu giáo viên THCS, trong đó môn Tiếng Anh 6 chỉ tiêu, Công nghệ và Toán mỗi môn 2 chỉ tiêu, Tin học 6 chỉ tiêu, Ngữ Văn và Lịch sử 1 chỉ tiêu, Mỹ thuật 4 chỉ tiêu.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông thông tin, dự kiến giữa tháng 9/2024 tiến hành xét tuyển chỉ tiêu viên chức giáo viên. Tuy nhiên, vào thời điểm đó năm học mới đã bắt đầu nên phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường đủ giáo viên hỗ trợ đơn vị còn thiếu, như: Bố trí giáo viên dạy liên trường – liên cấp… Với đơn vị xa xôi, cách trở, nhà trường ký hợp đồng giáo viên hoặc bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo để dạy - học online.

“Năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học – THCS Đăk Sao thiếu giáo viên nên đã hợp đồng với thầy, cô ở TP Kon Tum dạy các môn như: Tiếng Anh, Mỹ thuật… online. Trước thực trạng thiếu giáo viên và trong thời gian chờ tuyển dụng các đơn vị đảm bảo trang thiết bị dạy học sẽ tiếp tục bố trí dạy online ở một số môn học”, ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng GD&ĐT Tu Mơ Rông cho biết.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT Điện Biên đã xây dựng phương án, thực hiện điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi đủ đến nơi thiếu, bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp đối với những loại hình chuyên biệt.

Thực hiện các giải pháp về sắp xếp quy mô trường, lớp, nhằm tiết kiệm biên chế như: Sáp nhập các cơ sở giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện bố trí, sắp xếp tăng số học sinh trên lớp, giảm số lớp ở cấp học phổ thông; tăng cường phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS… Cho phép các địa phương được sử dụng phương án phân công giáo viên làm nhiệm vụ giảng dạy tại 2 hội đồng giáo dục đối với những môn chuyên, năng khiếu…

Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, cho hay: “Ngành GD-ĐT tiến hành khảo sát số lượng sinh viên là con em các dân tộc trên địa bàn đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm để trao đổi thông tin 2 chiều về nhu cầu tuyển dụng với mong muốn tư vấn các em định hướng đào tạo nâng cao, liên thông, văn bằng khi có dự định chuyển đổi ngành học để dự tuyển giáo viên tại địa bàn”.

viec cho nguoi (1).jpg
Sở GD&ĐT Quảng Nam trao quyết định bổ nhiệm cho giáo viên tuyển dụng theo diện đặc cách. Ảnh: Sở GD&ĐT Quảng Nam

Rút ngắn khoảng cách giáo viên hợp đồng và biên chế

Chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, Quảng Nam hợp đồng 928 chỉ tiêu trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục; trong đó các đơn vị trực thuộc sở GD&ĐT có 135 chỉ tiêu, các địa phương là 793. Cụ thể, TP Tam Kỳ được hợp đồng 60 chỉ tiêu, TP Hội An 40, TX Điện Bàn 98, các huyện Thăng Bình 35, Núi Thành 100, Đại Lộc 50, Duy Xuyên 63, Quế Sơn 59, Tiên Phước 66, Bắc Trà My 52, Nam Trà My 37, Phước Sơn 30, Nam Giang 19, Đông Giang 63 và Tây Giang 21.

Tại TP Đà Nẵng, Hội đồng nhân dân vừa thống nhất sẽ hợp đồng 723 giáo viên theo Nghị định số 111/2022 của Chính phủ để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp tại các trường công lập năm học 2024 - 2025. Trong đó, các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập thuộc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng là 39 hợp đồng lao động. Các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập thuộc UBND các quận, huyện là 684 hợp đồng lao động.

Ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho biết: Năm học 2023 – 2024, Liên Chiểu có 98 giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022 của Chính phủ. Trong khi đó, năm học 2024 – 2025, Liên Chiểu có 157 chỉ tiêu hợp đồng dạng này. Vì vậy, số giáo viên đã ký hợp đồng trong năm học trước tiếp tục duy trì dạy học trong năm tiếp theo và tuyển bổ sung số chỉ tiêu còn thiếu. Việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 có quy trình như tuyển dụng viên chức, đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch.

Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, UBND các quận, huyện chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở giáo dục đào tạo công lập căn cứ vào tình hình thực tế, khối lượng công việc để quyết định việc chi trả, phụ cấp đối với giáo viên hợp đồng. Thời gian 1 năm học được tính từ 1/8 năm trước đến 31/7 năm tiếp theo. Trong đó ngày 1/6 đến 31/7 là thời gian nghỉ hè. Như vậy, thời gian hợp đồng của giáo viên bao gồm 10 tháng chứ không phải 9 tháng của một năm học như trước đây.

Từ năm học 2023 – 2024, TP Đà Nẵng tổ chức kỳ thi tuyển dụng riêng cho các giáo viên diện hợp đồng. Kỳ thi này được tổ chức sau kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục nếu không tuyển đủ chỉ tiêu. Những giáo viên này vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi như giáo viên biên chế, kể cả phụ cấp 30% đứng lớp. Điều này góp phần rút ngắn sự chênh lệch trong quyền lợi, thu nhập của giáo viên hợp đồng so với giáo viên biên chế. Hiệu trưởng các trường học chỉ ký hợp đồng lao động trong trường hợp có giáo viên nghỉ chế độ thai sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.