Trong buổi họp báo thường kỳ do ngành chức năng tỉnh Cà Mau tổ chức mới đây vào ngày 13/11, trả lời báo chí về việc xây dựng Nhà khách nội bộ Tỉnh ủy Cà Mau với kinh phí hàng chục tỷ đồng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau đưa ra hai lý do cụ thể: Thứ nhất, nhà khách Minh Hải rất bị động trong sắp xếp vì được phép kinh doanh. Thứ 2, phương án bảo vệ an ninh cho các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cũng như các bộ ngành Trung ương đến làm việc rất vất vả nếu nghỉ tại Nhà khách Minh Hải.
Nghe các lý do này thì có vẻ hợp lý nhưng xét vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của tỉnh Cà Mau thì chưa thật hợp lý.
Tỉnh đang có nhiều Nhà khách
Lý giải của người phát ngôn Tỉnh ủy Cà Mau đã không nhắc đến tỉnh Cà Mau hiện có 5 nhà khách công vụ. Ngoài Nhà khách Minh Hải của Tỉnh ủy Cà Mau thì địa phương này còn có 4 nhà khách khác, gồm: Nhà khách của UBND tỉnh; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, Nhà khách Công an tỉnh Cà Mau được đầu tư quy mô và mới được đưa vào sử dụng.
Nhà khách Công an tỉnh 7 tầng mới đưa vào sử dụng |
Theo thông báo đi vào hoạt động (ngày 24/10/2018) của Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Cà Mau thì Nhà khách của ngành được đầu tư xây dựng 7 tầng, có 42 phòng nghỉ và nhiều tiện nghi. Thời gian qua, đã có những lãnh đạo Trung ương về công tác tại Cà Mau được bố trí nghỉ tại Nhà khách của Công an tỉnh.
Vậy, lý do “đảm bảo an ninh tốt hơn” có thực sự thuyết phục khi vị trí Nhà khách nội bộ Tỉnh ủy Cà Mau nằm cạnh bên Nhà khách Minh Hải? Trong khi, Nhà khách của Công an tỉnh Cà Mau được xây dựng cạnh trụ sở Công an tỉnh, nằm cùng trục đường và chỉ cách Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau vài phút đi bộ.
Lý do còn lại được đưa ra để xây dựng Nhà khách nội bộ Tỉnh ủy Cà Mau cũng không thật sự thuyết phục vì mục đích xây dựng Nhà khách Minh Hải là để phục vụ nhu cầu của Tỉnh ủy Cà Mau khi cần, chứ không phải để kinh doanh đảm bảo tự thu, tự chi.
Cần ưu tiên những nhu cầu cấp bách hơn
Trong khi Nhà khách nội bộ Tỉnh ủy Cà Mau được tiến hành xây dựng trong điều kiện chúng tôi đã nêu thì tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Cà Mau, tình trạng quá tải bệnh nhân thường xuyên xảy ra. Trước đây, bệnh viện này được xây dựng quy mô 500 giường nhưng thực tế đang kê hơn 900 giường, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh nhân nội trú. Vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, ai cũng dễ dàng bắt gặp cảnh bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang. Đặc biệt, tại các Khoa Ngoại chấn thương, tim mạch,... bệnh nhân phải nằm giường đôi.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau thường xuyên quá tải, hành lang dùng kê giường bệnh. |
Còn về giáo dục, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của tỉnh Cà Mau không phải nhỏ. Tại các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều ngôi trường xuống cấp, cũ kỹ nhưng chưa được đầu tư mới hoặc sửa chữa. Nói "học sinh ở Cà Mau không có trường học là sai" nhưng nói "học sinh và giáo viên tại nhiều trường của tỉnh đang học trong những lớp học, trường học chưa đạt tiêu chuẩn" để đảm bảo công tác dạy tốt, học tốt theo quy định của Bộ GD-ĐT là rất đúng.
Không thiếu trẻ em vùng sâu, vùng xa của tỉnh học trong những điều kiện chưa đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị. |
Vấn đề sạt lở bờ biển của địa phương này thời gian qua cũng đặt ra “bài toán đau đầu” về nguồn vốn đầu tư. Mới mấy tháng trước, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau 2 lần phải ban bố tình huống khẩn cấp để khắc phục sạt lở. Trước tình hình thời tiết cực đoan tàn phá, hàng ngàn hộ dân thấp thỏm sống cạnh sóng gió, UBND tỉnh Cà Mau đã phải xin trung ương hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng khắc phục và cũng kiến nghị trung ương hỗ trợ vốn để tái định cư, đảm bảo tính mạng tài sản cho người dân.
Cảnh hoang tàn sau cơn triều cường kỷ lục vào đầu tháng 8 vừa qua, đặt ra cho tỉnh Cà Mau bài toán tái định cư cho người dân vùng ven biển. |
Mục đích xây dựng Nhà khách nội bộ Tỉnh ủy là hợp lý nếu như tỉnh Cà Mau “giàu có”, còn hàng năm tỉnh “thu ngân sách không đủ chi”, vẫn phải đề nghị Trung ương hỗ trợ nhiều mặt thì phải chăng cần xem lại dự án đầu tư tiêu tốn hơn 39 tỷ đồng này./.