Chiều nay, trao đổi với GD&TĐ, ông Lữ Văn Hà – Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, cho biết; tính đến thời điểm này, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, chính quyền địa phương và người dân mới tìm được hai thi thể trong số 10 nạn nhân mất tích ở xã Na Mèo. “Hôm qua, lực lượng tìm cứu hộ, cứu nạn tìm thấy thi thể của chị Lò Thị Quản. Còn trưa nay, thi thể cháu Hà Văn Quỳnh (10 tuổi), là con trai của anh Hà Văn Vân, ở bản Sa Ná cũng đã được tìm thấy. Hiện nay, vẫn còn 8 người nữa chưa được tìm thấy tung tích. Lực lượng chức năng, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đang nỗ lực để tìm kiếm những người còn lại”, ông Hà nói.
Những đôi mắt đau khổ của người dân trong bản Sa Ná. |
Cũng theo ông Hà, tính đến chiều nay, bộ phận tiếp nhận hàng cứu trợ cho người dân bản Sa Ná thống kê, đã có hơn 290 triệu đồng; 3,5 tấn gạo; 500 mì tôm và thực phẩm các loại, như: cá khô, nước mắm, mì chính, bột canh, muối.....
Theo ghi nhận của phóng viên GD&TĐ, đến chiều nay (6/8), chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và rất nhiều đoàn hảo tâm đang dồn sức, tập trung đưa hàng cứu trợ đến với đồng bào bản Sa Ná. Tuy nhiên, công tác vận chuyển hàng cứu trợ vào được bản Sa Ná hiện tại đang rất khó khăn, vì không có đường giao thông. Nguồn hàng cứu trợ đều phải đưa qua sông Luồng bằng chiếc bè luồng kéo ròng rọc. Vì thế, mỗi chuyến bè qua sông rất hạn chế số lượng người và hàng viện trợ.
Tài sản của họ sau khi lũ đi qua. |
Thượng tá Hoàng Chí Đăng – Trưởng Công an huyện Quan Sơn, cho biết; trong chiều nay, chính quyền địa phương và lực lượng Công an sẽ tiến hành dựng cầu lắp ghép tạm bắc qua đoạn sông Luồng ở bản Bo Hiềng, để vận chuyển hàng viện trợ vào cho bà con ở Sa Ná.
Theo báo cáo từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh này đã khiến 5 người chết (Mường Lát 2 người; Quan Sơn 3 người); 11 người mất tích (Mường Lát 1 người; Quan Sơn 10 người) và 5 người tại huyện Quan Sơn bị thương.
Đưa hàng cứu trợ qua sông Luồng rất khó khăn |
Nhận gạo cứu trợ |
Trong đợt mưa lũ vừa qua, nên các huyện miền núi đã phải tổ chức sơ tán 1.098 hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn (Mường Lát 137 hộ, Quan Hóa 81 hộ, Quan Sơn 76 hộ, Bá Thước 167 hộ, Cẩm Thủy 611 hộ, Thạch Thành 26 hộ). Đồng thời, di dời khẩn cấp 59 hộ (Mường Lát 49 hộ, Quan Sơn 10 hộ).
Huyện Vĩnh Lộc cũng đã phải tổ chức sơ tán 307 hộ dân ngoài bãi sông bị ngập đến nơi ở an toàn... Tổng thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ước tính khoảng gần 300 tỷ đồng.