Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 ở 2 huyện

GD&TĐ - Ngày 15/4, UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời, U Minh.

Tình trạng sụt lún đường giao thông ở Cà Mau diễn ra nghiêm trọng.
Tình trạng sụt lún đường giao thông ở Cà Mau diễn ra nghiêm trọng.

Hạn hán trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra khốc liệt, trong đó huyện Trần Văn Thời và U Minh là 2 huyện chịu thiệt hại nặng nhất.

Theo thống kê, đến nay địa bàn huyện Trần Văn Thời đã xuất hiện hơn 600 điểm sụt lún, sạt lở nằm trên 132 tuyến kênh, với tổng chiều dài hơn 15.800m.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ đời sống của người dân cũng đang diễn ra nghiêm trọng.

Dự báo nắng hạn sẽ còn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4, thậm chí sang giữa tháng 5, khả năng vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời và U Minh sẽ còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông.

Mực nước các kênh, rạch còn nước trong vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, U Minh đang tiếp tục xuống thấp, khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán hoặc sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán đang ở cấp độ 2.

Mực nước nhiều tuyến kênh vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau tiếp tục xuống thấp.

Mực nước nhiều tuyến kênh vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau tiếp tục xuống thấp.

Tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm ứng phó và khắc phục hậu quả, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra đó là xác định các khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, triển khai các giải pháp phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình, mở rộng mạng đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Nhiều vùng nông thôn Cà Mau người dân đang sống trong cảnh khát nước sạch.

Nhiều vùng nông thôn Cà Mau người dân đang sống trong cảnh khát nước sạch.

Tập trung rà soát các tuyến giao thông ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở, sụt lún, để lắp đặt các biển cảnh báo và triển khai các biện pháp phù hợp nhằm giảm tối đa thiệt hại; huy động Nhân dân tham gia thực hiện phòng, chống thiệt hại do sụt lún, sạt lở đất và khắc phục những vị trí có nguy cơ đe dọa an toàn đến người và phương tiện trong quá trình lưu thông.

Rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết; khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ