Cá mập megalodon là loài máu nóng

GD&TĐ - Megalodon - kẻ săn mồi biển lớn nhất từng sống không phải là 'sát thủ' máu lạnh.

Megalodon tuyệt chủng khoảng 3,6 triệu năm trước.
Megalodon tuyệt chủng khoảng 3,6 triệu năm trước.

Một phân tích mới của các nhà khoa học môi trường từ Trường Đại học California, Merced và William Paterson (Mỹ) đã làm sáng tỏ khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của loài động vật máu nóng này. Đồng thời, có thể giúp giải thích tại sao chúng lại tuyệt chủng.

Các nhà khoa học đã phân tích các đồng vị trong men răng của loài cá mập cổ đại đã tuyệt chủng khoảng 3,6 triệu năm trước. Nhóm nghiên cứu kết luận, megalodon có thể duy trì nhiệt độ cơ thể ấm hơn khoảng 13 độ F (khoảng 7 độ C) so với nước xung quanh.

Sự chênh lệch đó lớn hơn so với nhiệt độ đã được xác định đối với những loài cá mập khác sống cùng thời megalodon. Nhiệt độ này đủ lớn để phân loại megalodon là loài máu nóng.

Theo các nhà nghiên cứu, năng lượng mà megalodon sử dụng để giữ ấm đã góp phần gây ra sự tuyệt chủng của nó. “Nghiên cứu các yếu tố thúc đẩy sự tuyệt chủng của một loài cá mập săn mồi rất thành công như megalodon có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về tính dễ bị tổn thương của những loài săn mồi biển lớn trong hệ sinh thái đại dương hiện đại.

Bởi, chúng đang chịu tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra”, trưởng nhóm nghiên cứu Robert Eagle - Giáo sư trợ lý tại Trường Đại học California cho biết.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tìm kiếm câu trả lời trong phần còn lại của hóa thạch phong phú nhất ở megalodon: Răng của nó. Thành phần chính của răng là khoáng chất apatit, chứa các nguyên tử carbon và oxy.

Giống như tất cả các nguyên tử, carbon và oxy có thể ở dạng “nhẹ” hoặc “nặng” được gọi là đồng vị. Lượng đồng vị nhẹ hoặc nặng tạo nên apatite khi nó hình thành có thể phụ thuộc vào một loạt yếu tố môi trường.

Vì vậy, thành phần đồng vị của răng hóa thạch có thể tiết lộ những hiểu biết sâu sắc về nơi động vật sống và loại thức ăn mà chúng ăn.

Hầu hết các loài cá mập cổ và hiện đại không thể duy trì nhiệt độ cơ thể cao hơn đáng kể so với nhiệt độ nước biển xung quanh. Do đó, các đồng vị trong răng của chúng phản ánh nhiệt độ ít khác biệt so với nhiệt độ đại dương.

Tuy nhiên, ở động vật máu nóng, các đồng vị trong răng ghi lại tác động của nhiệt độ cơ thể do động vật tạo ra. Đó là lý do tại sao răng chỉ ra nhiệt độ ấm hơn nước biển xung quanh.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ