Bắt được răng cá mập khổng lồ trên bãi biển

GD&TĐ - Một cậu bé 6 tuổi đang tìm kiếm vỏ sò cùng cha trên một bãi biển ở nước Anh thì nhặt được một chiếc răng quý hiếm của loài megalodon - loài cá mập lớn nhất từng sống trên Trái đất.

Mô phỏng hàm cá mập megalodon.
Mô phỏng hàm cá mập megalodon.

Cậu bé Sammy Shelton đã phát hiện ra chiếc răng megalodon trên bãi biển Bawdsey ở Suffolk - vùng bờ biển phía Đông nước Anh. Theo The Mirror, một trang tin tức của Anh, chiếc răng dài 10 cm.

Ông Peter Shelton, bố của cậu bé, cho biết: “Chúng tôi biết nó là gì nhưng không biết nó hiếm đến thế nào”.

Bãi biển là một địa điểm săn hóa thạch, nhiều người đã nói với Sheltons rằng việc tìm thấy một chiếc răng megalodon ở đây là điều rất hiếm hoi.

Răng megalodon khá phổ biến ở một số nơi, bao gồm cả ngoài khơi bờ biển phía Đông của Bắc Mỹ và ngoài khơi bờ biển Maroc. Tuy nhiên, chúng “cực kỳ hiếm” ở Anh, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London.

Cá mập khổng lồ megalodon (Otodus megalodon) đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn ở các đại dương, nuốt chửng những con mồi lớn như cá voi và cá heo, cho đến khi biến mất khỏi hồ sơ hóa thạch vào cuối kỷ Pliocen khoảng 2,6 triệu năm trước. Các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về kích thước chính xác của megalodon, nhưng loài cá mập khổng lồ có thể dài ít nhất từ 15 mét tới 20 mét, theo Live Science đưa tin trước đây.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Kentucky tại Đại học Kentucky, những chiếc răng lớn nhất của loài megalodon có thể dài tới hơn 17,8 cm, dài gấp đôi so với răng của con cá mập trắng lớn nhất (Carcharodon carcharias).

Cá mập rụng và mọc răng mới trong suốt vòng đời của chúng, vì vậy răng cá mập liên tục rơi xuống đáy biển, nơi chúng có thể bị hóa thạch. Điều này tăng khả năng phát hiện và bảo tồn chúng sau hàng triệu năm.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ