Cá mái chèo Trung Quốc đã tuyệt chủng

Cá mái chèo Trung Quốc đã tuyệt chủng

Cá nước ngọt khổng lồ

Cá mái chèo Trung Quốc từng là một loài phổ biến trên sông Dương Tử, nhưng do sự đánh bắt quá mức và sự phân mảnh môi trường sống đã đánh dấu sự diệt vong của loài này. Không còn hy vọng nào để đưa chúng trở lại.

“Vì không có cá thể nào tồn tại trong điều kiện nuôi nhốt và không có mô sống nào được bảo tồn để có tiềm năng hồi sinh, chúng nên được coi là đã tuyệt chủng theo tiêu chí Danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)”, Zhang và các đồng nghiệp đã đề cập trong một bài báo sẽ được đăng trên tạp chí Science of Total Environment số tháng 3/2020.

Cá mái chèo Trung Quốc là một sinh vật ấn tượng với mõm lớn nhô ra. Chiếc mũi này đã cho con cá một biệt danh là xiang yu hay “cá voi” trong tiếng Quan thoại. Cá mái chèo có thể dài tới 23 feet (7 mét) và nặng đến 450kg.

Nó nằm trong số các loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới cùng với cá tầm và cá láng lớn Bắc Mỹ. Cá mái chèo được đánh bắt thường xuyên ở sông Dương Tử vào cuối những năm 1970, theo Zhang và các đồng nghiệp cho biết. Năm 1981, một con đập lớn, đập Gezhouba, được xây dựng trên sông và chia đôi quần thể cá mái chèo Trung Quốc.

Con đập cũng ngăn không cho những con cá bị mắc kẹt bên dưới bơi ngược dòng đến các nhánh sông nơi chúng có thể sinh sản. Loài này được liệt kê là một trong những động vật bị đe dọa nhất của Trung Quốc vào năm 1989, nhưng quần thể của chúng vẫn tiếp tục giảm mặc dù đã có những động thái cảnh báo. Lần cuối cùng nhìn thấy một con cá mái chèo Trung Quốc là vào năm 2003.

Theo Zhang và nhóm của ông viết, cá mái chèo đã biến mất. Các nhà nghiên cứu đã lục tung các hồ sơ về việc nhìn thấy từ năm 1981 và tiến hành khảo sát thực địa vào năm 2017 và 2018 ở sông Dương Tử và các nhánh và hồ của nó: Sông Yalong, sông Heng, sông Min, sông Tuo, sông Chishui, sông Jialing, sông Wu, sông Hàn, hồ Dongting và hồ Poyang.

Các nhà nghiên cứu đã thiết lập lưới đánh cá để bắt các loài trong các tuyến đường thủy này và khảo sát các chợ cá địa phương, tìm kiếm bất cứ bằng chứng nào cho thấy loài cá mái chèo này vẫn có thể bị bắt.

Cảnh báo các loài khác

Họ đã tìm thấy 332 loài cá nhưng không có bất kỳ một con cá mái chèo Trung Quốc nào. Dữ liệu quan sát lịch sử cho thấy, rất ít cá mái chèo được nhìn thấy sau khoảng năm 1995.

Bằng chứng cho thấy cá ở thượng nguồn đập bị tuyệt chủng về chức năng - không thể sinh sản trong môi trường tự nhiên - vào khoảng năm 1993. Loài này tồn tại đến khoảng năm 2005, hoặc có lẽ muộn nhất là năm 2010, các nhà nghiên cứu cho biết.

“Dựa trên trọng lượng của bằng chứng, loài này có thể được tuyên bố là tuyệt chủng với độ chắc chắn cao”, các nhà nghiên cứu viết.

Các nhà nghiên cứu đã viết rằng, sự biến mất của cá mái chèo Trung Quốc là bài học về cách đảm bảo sự sống sót của các loài Dương Tử bị đe dọa khác.

Đầu tiên, các cuộc điều tra thường xuyên hơn về lưu vực sông sẽ cho phép các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ hơn về những loài đang có nguy cơ. Trước cuộc khảo sát năm 2017 do Zhang và nhóm của ông thực hiện, cuộc khảo sát cá toàn diện cuối cùng về Dương Tử và các nhánh của nó xảy ra từ năm 1975.

Thứ hai, các nỗ lực cứu hộ nên bắt đầu nhanh hơn nhiều, các nhà nghiên cứu viết. Hầu hết các công việc căng thẳng được thực hiện để cứu cá mái chèo Trung Quốc bắt đầu sau năm 2006, có khả năng sau khi con cá cuối cùng đã biến mất. Để ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài, các nỗ lực giải cứu nên bắt đầu từ trước năm 1993, khi loài cá này bị tuyệt chủng về chức năng.

Nhiều loài Dương Tử, như cá sấu Trung Quốc (Alligator sinensis) đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Zhang và nhóm của ông đã viết, nhưng vẫn có thể được cứu vớt. Các nhà nghiên cứu cho biết cần ưu tiên sự sinh tồn của chúng ngay từ bây giờ trước khi đi đến nguy cơ không còn có thể cứu vãn, có thể là cách duy nhất để cứu đa dạng sinh học của dòng sông khổng lồ này.

TheoLivescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.