Ca mắc Covid-19 vẫn tăng, Thành phố Hồ Chí Minh kích hoạt toàn bộ bệnh viện

GD&TĐ - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản khẩn về việc các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận người bệnh Covid-19, trong đó có nhiều yêu cầu quan trọng, đề nghị các cơ sở y tế báo cáo trước 10/12.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới, nhập viện và tử vong tại thành phố tiếp tục tăng; dịch bệnh tại các tỉnh thành phía Nam diễn biến phức tạp; thế giới xuất hiện biến chủng mới Omicron.

Cụ thể, các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm và bệnh viện đa khoa hạng một được khuyến khích thành lập Khoa Covid-19, đơn vị hồi sức Covid-19, sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh nặng, nguy kịch. Các viện tiếp tục thắt chặt biện pháp phân luồng, sàng lọc trường hợp nghi nhiễm đến khám, tránh lây nhiễm chéo. Các bệnh viện cũng tiếp nhận người khỏi Covid-19 cần điều trị bệnh nền hoặc phục hồi chức năng.

Trong giai đoạn thích ứng, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì 4 bệnh viện chuyển đổi công năng toàn bộ (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Trưng Vương, An Bình, Huyện Củ Chi - PV) và 6 bệnh viện theo mô hình tách đôi - khối nhà riêng biệt, có cổng và lối đi riêng để điều trị Covid-19 (Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, Phạm Ngọc Thạch, Từ Dũ, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng thành phố - PV). 10 bệnh viện này tổng cộng khoảng 4.300 giường trị Covid-19.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng phân cụm các bệnh viện điều trị Covid-19 và công tác điều phối chuyển người mắc Covid-19. Cụ thể, 9 bệnh viện tuyến cuối (tầng 3) trị Covid-19 là bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện Dã chiến Phước Lộc (Bộ Công an); 4 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế điều trị hồi sức tích cực gồm Chợ Rẫy, Thống Nhất, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Huế. Tổng số giường tại các bệnh viện tầng 3 hiện nay khoảng 2.300.

Các bệnh viện phân bổ nguồn nhân lực tham gia điều trị và chăm sóc F0, được Sở Y tế yêu cầu "không được đùn đẩy hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh". Bác sĩ, điều dưỡng được cử luân phiên đến các bệnh viện dã chiến trị Covid-19, trạm y tế lưu động làm việc.

Ngoài ra, mỗi địa bàn quận, huyện sẽ duy trì phát triển thêm Bệnh viện Dã chiến (tầng 2) hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng 1). Hiện có 16 Bệnh viện Dã chiến quận huyện, TP Thủ Đức với quy mô khoảng 8.000 giường, 65 cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 với quy mô khoảng 9.000 giường.

Sở Y tế đề nghị các Bệnh viện Dã chiến cập nhật lại quy mô giường bệnh, lưu ý hỗ trợ các quận không triển khai được bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện dã chiến không thể tồn tại lâu dài (như quận 1, quận 3...).

Về phân cụm các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 và công tác điều phối chuyển người mắc Covid-19. Sở Y tế cho biết để thuận lợi cho công tác hội chẩn, chuyển bệnh, chuyển giao kỹ thuật giữa các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 trong 3 tầng, Sở Y tế phân công tác cơ sở, bệnh viện thành 8 "cụm điều trị", phân công các bệnh viện cụm trưởng điều phối bệnh nhân trong phạm vi cụm điều trị. Đồng thời, kích hoạt Tổ điều phối chuyển tuyến để điều phối chuyển bệnh trên phạm vi toàn thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ