Kinh nghiệm xử trí sớm, giảm tử vong các ca mắc Covid-19

GD&TĐ - Qua 4 đợt chống dịch, các chuyên gia y tế khẳng định, việc kiểm soát sớm người bệnh từ những tầng điều trị ban đầu có ý nghĩa quan trọng để xử trí sớm, giảm tử vong.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế, cùng với vắc xin và thuốc điều trị, ý thức chống dịch của người dân là những yếu tố quyết định để kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, giảm tỷ lệ người bệnh diễn tiến nặng và bệnh nhân tử vong.

Qua 4 đợt chống dịch, các chuyên gia khẳng định, việc kiểm soát sớm người bệnh từ những tầng điều trị ban đầu có ý nghĩa quan trọng để xử trí sớm, giảm tử vong.

Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện Trung ương và 10 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang…) về công tác điều trị, giảm tử vong do Covid-19, ngày 1/12, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp khẳng định, tỷ lệ chuyển nặng của nhóm bệnh nhân được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đã giảm "ngoạn mục".

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong 3 tháng qua, có 64 ca tử vong, trong đó, 7 ca tiêm vắc xin, với chỉ 1 người tiêm đủ 2 mũi. Việc kiểm soát sớm người bệnh từ những tầng điều trị ban đầu có ý nghĩa quan trọng để xử trí sớm, giảm tử vong.

Theo các lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang… nhận định, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn chủ yếu tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh lý nền (tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận, ung thư, tim mạch…) hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện; công tác phát hiện sớm và quản lý ca bệnh ngoài cộng đồng còn nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, chưa theo sát từng ca bệnh, phân nhóm nguy cơ hiệu quả, bảo đảm tiếp cận oxy y tế…

Lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong còn cao, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, một số nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong còn cao cụ thể, trong thời gian đầu của đợt dịch lần này, số ca mắc mới tăng nhanh, đột ngột gây quá tải hệ thống bệnh viện.

Với việc quản lý F0 tại nhà, một số trường hợp tự phát hiện nhưng không báo cơ sở y tế hoặc báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời; phân loại nguy cơ chưa sát theo hướng dẫn. Một số trường hợp sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế như dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm.

Nhân lực ở tầng điều trị thứ 2, thứ 3 của nhiều địa phương gặp khó khăn do các lực lượng hỗ trợ đã rút về; lúng túng trong điều phối chuyển viện, chuyển tầng, không theo sát nguy cơ và gây quá tải hệ thống bệnh viện.

Việc quản lý phân loại nguy cơ F0 tại cơ sở cách ly tập trung còn chưa được phát hiện kịp thời, dẫn đến các ca chuyển nặng. Năng lực hồi sức ở các bệnh viện tuyến tỉnh còn hạn chế, cần thời gian để nâng cao năng lực, trong khi đó, còn bỏ sót xử trí bệnh nền; chưa chú trọng đúng mức chẩn đoán điều trị bội nhiễm (nhiễm nấm, vi khuẩn đa kháng).

Trên cơ sở đó, đại diện Bộ Y tế đề xuất tiếp tục cập nhật hướng dẫn điều trị, nâng độ tuổi nguy cơ cao trên 50 tuổi (tỷ lệ tử vong 84%), điều chỉnh phân tầng hợp lý.

Các cơ sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý F0 tại cộng đồng; tăng cường đội y tế lưu động; hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng cao; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm tử vong…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ