Sau đó, Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc đã phối hợp với các cơ quan chức năng Hà Tĩnh kiểm tra.
Nguyên nhân được xác định là do có yếu tố gây độc trong môi trường nước. Yếu tố gây độc trong nước tại biển Hà Tĩnh bắt từ nguồn nước thải ra môi trường chưa được xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước biển.
Tại Quảng Bình, tình trạng cá chết bất thường trôi dạt vào bờ biển xuất hiện từ ngày 10/4 trên vùng biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch). Sau đó hiện tượng này tiếp tục lan rộng ra bờ biển thuộc các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới.
Bắt đầu từ ngày 10/4 Quảng Bình xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt trôi dạt về bờ biển. (Ảnh: Trần Anh). |
Theo một số ngư dân ở xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), họ chưa từng thấy cá chết đồng loạt, trôi dạt vào bờ nhiều như thế bao giờ.
Nhiều tàu cá đánh bắt gần bờ bắt gặp cá nổi trên biển nhưng không dám đánh bắt vì sợ cá bị nhiễm hóa chất lạ. Từ ngày 10 đến 18/4, tình trạng tiếp tục xảy ra trên vùng biển Quảng Bình khiến ngư dân lo lắng.
Tại Quảng Trị, ngày 19/4 ngư dân Quảng Trị phát hiện và trình báo có nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá hồng, cá hanh, cá ong… chết và trôi dạt vào bờ biển.
Ngư dân vùng biển Cửa Việt, Cửa Tùng thuộc hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị liên tục vớt được hàng tấn cá chết bất thường không rõ nguyên nhân. Theo các ngư dân cho biết, lúc đầu chỉ phát hiện cá nhỏ chết nhưng về sau xuất hiện cả các loại cá to chết trôi dạt về bờ biển.
Cá chết được ngư dân Quảng Trị thu gom về. (Ảnh: Đình Thành). |
T rước đây những loài cá này mỗi ngày chỉ đánh bắt được một vài con, bây giờ vớt được cả tấn cá nhưng mang ra chợ bán không ai mua. |
Theo ngư dân, trước đây những loài cá này mỗi ngày chỉ đánh bắt được một vài con, bây giờ vớt được cả tấn cá nhưng mang ra chợ bán không ai mua. Nếu bán được cũng chỉ vài nghìn đồng/kg cho một số người mua về cho lợn ăn.
Tại Thừa Thiên Huế, nhiều ngày qua, hàng cá chết bất thường hàng loạt trôi dạt vào các bãi biển, cửa sông khiến nhiều bà con ngư dân lo lắng.
Ghi nhận của PV ngày 19/4 tại khu vực Đập Tràn (thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là các lớp xác cá chết nổi lềnh bềnh dọc con sông Bình An 1 (trước đây còn gọi là sông Cửa Chu Mới). Trong đó, có các loài cá như: cá nóc nước lợ, cá kình, cá ngạnh, cá dìa…
“Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến bây giờ, đây là lần đầu tiên tôi thấy cá chết nhiều như vậy. Lúc đầu, người dân chúng tôi thấy vậy vớt về ăn, rồi có người còn đưa lên chợ bán nhưng vài ngày thấy cá chết nhiều và liên tục, bà con sợ quá nên thôi”, một người dân chia sẻ.
Người dân thuộc thôn 1, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc cũng phản ánh họ thấy rất nhiều xác cá biển chết trôi dạt vào bờ biển. Vào buổi sáng người có người thu gom được hơn 10kg cá chết.
Tại Thừa Thiên - Huế cũng xuất hiện tính trạng cá chết hàng loạt trôi về phủ trắng bờ biển, cửa sông khiến nhiều người dân hoang mang. |
Liên quan đến tình trạng cá chết trắng ven biển, ngày 19/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo về tình trạng cá chết bất thường trôi dạt vào bờ biển.
Theo kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá chết, nguyên nhân bước đầu được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc. Tuy nhiên, yếu tố cụ thể nào của môi trường nước làm cho cá chết bất thường thì vẫn chưa được tìm ra.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình nhận định, có thể dưới tác động của dòng hải lưu Bắc cực - Xích đạo, nên nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy vào dọc bờ biển phía nam gây nên hiện tượng cá chết ven biển Quảng Bình từ bắc vào nam theo thời gian.
Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị cũng đã báo cáo để ngành chức năng lấy mẫu xét nghiệm và tìm nguyên nhân cá chết.
Tại Thừa Thiên - Huế, sáng ngày 19/4, Phòng Nông nghiệp của huyện Phú Lộc cùng với cán bộ phía Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã về ghi nhận tình hình và lấy mẫu nước xét nghiệm để làm làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 20/4 Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có báo cáo gửi UBND tỉnh và Tổng cục Thủy sản Việt Nam.
Theo báo cáo này thì: "Dấu hiệu cá chết không có biểu hiện bệnh ở phần phụ, mang và nội tạng. Xác định ban đầu một số chỉ tiêu môi trường tại vùng nuôi lồng có cá chết bằng dụng cụ test nhanh: PO4 tầng đáy 1 mg/lít, pH 8,8; độ kiềm 89,5; độ mặn: 30o/oo.
Như vậy, chất lượng nước phú dưỡng (PO4 theo thỉ tiêu cho phép tối đa là 0,5 mg/lít, nhưng tại thời điểm đo là 1 mg/lít) làm tăng độ pH; so sánh với độ pH vùng đầm phá và ven biển qua các năm thường biến động từ 7,5-8,3. Đây có thể là nguyên nhân làm cho cá sốc và chết hàng loạt do pH nước thay đổi đột ngột; PO4 tăng cao.
Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, mùa có cá rò trôi là nước xấu, kết hợp với khí độc ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiết oxy cộc bộ làm cho cá chết nhanh".
Báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh: "Trong thời gian đến, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với địa phương, các tỉnh bạn để tìm hiểu, xác định thêm nguyên nhân khác. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu khá bất thường, cho thấy chất lượng nước biển biến động mạnh ảnh hưởng đến nguồn lợi tự nhiên".