Bứt tốc tiêm chủng

GD&TĐ - Trung Quốc đã vượt mốc tiêm chủng hơn một tỷ liều vắc-xin phòng Covid-19, một cột mốc đáng kinh ngạc đối với quốc gia và thế giới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông tin, tính đến ngày 19/6, Trung Quốc đã sử dụng 1,01 tỷ liều vắc-xin. So với 2,5 tỷ triệu liều trên toàn thế giới, lượng tiêm chủng của Trung Quốc chiếm đến 40%.

Đáng chú ý chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc có khởi đầu rất chậm chạp. Vào ngày 27/3, Trung Quốc chỉ đạt một triệu liều vắc-xin, tương đương chỉ 3,56% dân số được tiêm chủng.

Nhưng xứ sở tỷ dân đã quyết tâm đẩy mạnh kế hoạch tiêm chủng từ đầu tháng 4 với mục tiêu tiêm cho 40% dân số trước tháng 6. Nỗ lực được ghi nhận từ tháng 5 khi quốc gia đã tiêm chủng 500 triệu liều.

NHC cho biết Trung Quốc mất 25 ngày để tăng từ 100 triệu liều lên 200 triệu liều, 16 ngày để tăng từ 200 triệu lên 300 triệu liều và mất 6 ngày để tăng từ 800 triệu lên 900 triệu. Trong tuần qua, quốc gia này đã thành công vượt ngưỡng một tỷ liều vắc-xin.

Chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc từng tụt lại khi so với các quốc gia giàu có khác như Mỹ, Israel phần lớn do thái độ hoài nghi của người dân quốc gia. Nhiều người cho biết chưa muốn đi tiêm vì lo ngại phản ứng. Tuy nhiên, suy nghĩ của công chúng đã thay đổi khi Trung Quốc ghi nhận những cụm dịch nhỏ trong cộng đồng.

Từ tháng 4, một số khu vực như Liêu Ninh, An Huy, Quảng Đông xuất hiện những cụm bùng phát dịch trong cộng đồng. Đặc biệt, đến tháng 5, thành phố Quảng Châu ghi nhận các cụm dịch có liên quan đến biến chủng Delta của Ấn Độ.

Dù quốc gia này đã kiểm soát tương đối tốt dịch Covid-19, những cụm dịch nhỏ này vẫn khiến người dân “đứng ngồi không yên”. Sau khi cân nhắc lợi ích và rủi ro của việc tiêm vắc-xin, hầu hết người dân trên cả nước đã đăng ký tiêm chủng.

Bên cạnh sự tham gia tích cực của người dân cả nước, chính quyền các địa phương cũng nỗ lực tìm cách thu hút sự quan tâm của công chúng. Ở một số nơi, việc tiêm chủng là bắt buộc, đặc biệt nhóm đối tượng nhân viên công ty nhà nước, cơ quan chính quyền, dịch vụ thiết yếu.

Tại một số địa phương không có dịch, chính quyền đã cung cấp nhiều ưu đãi như tặng phiếu giảm giá, nhu yếu phẩm, giấy ăn cho những người tiêm đủ 2 liều. Những công ty, khu dân cư có ít nhất 80% người tiêm chủng cũng được ca ngợi, biểu dương.

Trước sự vận động sôi nổi của địa phương, người dân không chỉ nhận thức rõ mối đe dọa từ dịch bệnh mà cũng yên tâm tham gia tiêm chủng. Các chuyên gia dự đoán, với tốc độ như hiện tại, đến cuối năm 2021, Trung Quốc có thể đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số.

Không chỉ triển khai nhanh chóng kế hoạch tiêm chủng cấp quốc gia, Trung Quốc đang là nhà cung cấp vắc-xin lớn cho thế giới. Trên đà này, vắc-xin của Trung Quốc, Sinopharm, cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng.

Tại châu Á, Ấn Độ đã tạm dừng xuất khẩu vắc-xin để ưu tiên nhu cầu trong nước trong khi nguồn cung của Nga ra nước ngoài còn hạn chế. Trong khi Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 260 triệu liều vắc-xin, nhiều hơn tất cả quốc gia khác trong khu vực gộp lại. Nước này còn cam kết cung cấp thêm 440 triệu liều khác trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang chạm trán Mỹ trong cuộc đua ngoại giao vắc-xin. So với Mỹ, vắc-xin của Trung Quốc vấp phải lo ngại về hiệu quả thấp. Trong khi Mỹ đang tăng cường phân bổ vắc-xin trên toàn cầu thông qua chương trình COVAX và ngoại giao.

Cuộc đua chưa đến hồi ngã ngũ xong Trung Quốc vẫn khiến thế giới phải cảm thán khi bứt tốc ngoạn mục trong kế hoạch tiêm chủng quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.