Thành tích này không chỉ là sự tự hào của ngành Giáo dục Lào Cai mà còn mang đến thông điệp: Sự quan tâm, đầu tư đúng hướng đối với nghiên cứu khoa học sẽ góp phần mang lại hiệu quả cho quá trình dạy – học; biến lý thuyết thành thực tế.
Giúp học sinh hiểu và thêm yêu dân tộc
Cô Hoàng Thanh Huyền – giáo viên hướng dẫn cho biết: Sản phẩm “Bản đồ phân bố các dân tộc Việt Nam” được tạo ra từ ý tưởng của nhóm HS, sau đó có sự định hướng trau chuốt thêm để hoàn thiện.
Mô hình bản đồ Việt Nam này sẽ giúp quá trình học tập môn Địa lý, Lịch sử, Văn học… trên lớp thêm sinh động. Người học có giáo cụ trực quan nên dễ dàng tiếp nhận và nhớ sâu kiến thức.
Mặt khác, những hình nộm búp bê được tạo ra từ việc tận dụng ni lông, vải thừa không chỉ trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc bán cho khách du lịch, mang giá trị kinh tế mà còn góp phần hạn chế thải rác thải ra ngoài môi trường. Từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong trường lớp, giáo viên, học sinh và cộng đồng…
Đặc biệt, những bộ trang phục được thiết kế cho búp bê được nghiên cứu kĩ lưỡng về văn hóa, bản sắc các dân tộc… giúp người xem phân biệt được đặc trưng văn hóa của 54 dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam;
Thấy được sự đoàn kết, giao thoa giữa các nền văn hóa và dân tộc. Mô hình tạo ra hoàn toàn với hình tượng những người phụ nữ dân tộc sẽ nâng cao ý thức tôn trọng phụ nữ, bình đẳng nữ giới và nam giới.
Tạo mọi điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học
Cô Hoàng Thanh Huyền chia sẻ: Trường THPT số 2 Bảo Thắng có hơn 700 học sinh và phần lớn các em là học sinh dân tộc. Nhà trường luôn xác định mục tiêu xây dựng môi trường học tập hiện đại, thân thiện để mỗi HS đều có cơ hội phát triển tài năng, tư duy sáng tạo của bản thân.
Xuất phát từ tầm nhìn đó, nhiều năm qua, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để học sinh phát triển năng lực, trong đó việc HS tham gia nghiên cứu khoa học đã trở thành phong trào tích cực, tự nguyện đối với thầy và trò.
Hằng năm, có hàng trăm ý tưởng tham dự vòng thi cấp trường, trong đó nhiều ý tưởng, sản phẩm dự án được xét công nhận cấp trường và cử đi tham gia dự thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Năm nay, sản phẩm dự thi của nhà trường lại vinh dự đoạt giải Ba. Đây là niềm tự hào, động lực lớn cho việc nghiên cứu khoa học ở những năm tiếp theo.
Cô Huyền cho biết, vì điều kiện nhà trường còn nhiều khó khăn, nếu giáo viên và học sinh không quyết tâm, biến khó khăn thành động lực thì không thể đạt được thành tích trong nghiên cứu khoa học.
Đến nay, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, HS dân tộc còn nhiều hạn chế trong nghiên cứu khoa học. Các em không biết chọn đề tài và định hướng nghiên cứu. Đặc biệt, nhiều HS còn chưa chủ động tìm đến GV hướng dẫn nên cơ bản GV vẫn phải trực tiếp đi lựa chọn HS, động viên các em làm dự án nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, trường thuộc vùng nông thôn miền núi, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nên giáo viên và học sinh ít có điều kiện được tiếp cận, được tham gia các hội thảo khoa học. Sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh cho các cuộc thi và nghiên cứu khoa học của học sinh khá hạn chế...
Tuy nhiên, cô Huyền khẳng định, khi vượt qua những khó khăn, thách thức thì việc nghiên cứu khoa học sẽ giúp ích rất nhiều cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học.
Trong quá trình nghiên cứu khoa học, GV sẽ có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu đối với các vấn đề mà mình nghiên cứu, cả về lý luận cũng như thực tiễn. Những kiến thức lý luận sẽ được áp dụng vào thực tế cuộc sống, giúp phát hiện ra những thiếu sót, hạn chế trong lý thuyết và từ đó đưa ra kiến nghị, giải pháp hoàn thiện; nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng giáo dục nhà trường.
Về phía HS, nghiên cứu khoa học góp phần tích cực vào đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của HS.
Trong những năm qua, hoạt động này là môi trường để HS Trường THPT số 2 Bảo Thắng nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo, khơi dậy sự nhiệt tình, tính chủ động say mê nghiên cứu khoa học; giúp các em phát triển năng lực nghiên cứu, phong cách làm việc khoa học.