Hội thi Giáo viên dạy giỏi thành phố Hà Nội năm học 2017-2018 vừa kết thúc tốt đẹp với chất lượng dạy học đã có những chuyển biến rõ nét. Tiêu chí dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thực hành ứng dụng đã in dấu đậm nét.
Trên cơ sở ý thức và trình độ chuyên môn ngày càng vững vàng, với sự tiếp cận chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, có thể khẳng định rằng các giờ dạy đều thể hiện tinh thần dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, thể hiện rõ nét tính đặc thù bộ môn, dạy học theo chủ đề và sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại.
Thầy Thiều Đình Tuân (THPT Phan Huy Chú), thầy Nguyễn Quý Dũng (THPT Phạm Hồng Thái), cô Nguyễn Thị Yến (THPT Xuân Đỉnh) và rất nhiều giáo viên khác đã nhận thấy: Trong dạy học, vấn đề không chỉ là đặt ra bao nhiêu câu hỏi mà là phải hỏi như thế nào. Không chỉ là động viên học sinh phát biểu mà còn là theo dõi xem những gì dang diễn ra trong nhận thức và xúc cảm của các em.
Vừa hướng dẫn học sinh luyện tập, thí nghiệm, thực hành, với sự hỗ trợ của máy tính và máy chiếu, học sinh được tiếp nhận kiến thức tốt hơn, đầy đủ hơn bằng cả kênh hình và kênh tiếng, các kiến thức trọng tâm được nhấn mạnh và tạo ấn tượng.
Các thầy cô hướng dẫn học sinh trải nghiệm với đặc trưng của môn học đã làm thay đổi cách học của học trò. Nhiều giáo viên đã thiết kế phần mềm nội dung kiến thức bài dạy, tạo hiệu ứng hình ảnh, hình vẽ màu sắc sinh động đã gây hứng thú cho học sinh.
Các đồ dùng dạy học không chỉ giảm đáng kể sức lao động, tiết kiệm thời gian mà còn tăng hiệu quả dạy học. Những video clip được chính các thầy cô và học sinh ghi hình, phân tích khiến các em thán phục.
Bên cạnh ứng dụng các phương pháp dạy học hiện đại thì những ưu điểm của phưng pháp dạy học truyền thống vẫn còn nguyên giá trị. Phòng thí nghiệm thực hành, mẫu vật thật và mẫu vật ghi hình, trên sân trường và thao trường, bằng một hệ thống bài tập chính xác, khoa học, với những sơ đồ và trò chơi hấp dẫn được hướng dẫn tổ chức bài bản, hiệu quả.
Có những giờ dạy, học sinh được thảo luận nhóm, phiếu học tập được sử dụng đúng chỗ làm tiết học được khắc sâu.
Nhiều giờ học đã vận dụng những cách thức tổ chức của mô hình trường học mới, làm tiết dạy có nhiều tươi mới. Thông qua các đồ dùng trực quan, học sinh được chủ động tìm hiểu, ứng dụng thực tế, hiểu và ngấm hơn những giá trị văn hóa lịch sử, trách nhiệm và ý thức cá nhân với cộng đồng, cho thấy những hiệu quả lớn về giáo dục toàn diện.
Việc đổi mới phương pháp dạy học còn thể hiện rõ ở cách tổ chức hoạt động giờ học. Thầy Nguyễn Văn Đồng (THCS Hồng Kì, Sóc Sơn), cô Phạm Thúy Nhung (THCS Tứ Hiệp, Thanh Trì), cô Lý Thanh Hải (THCS Yên Sơn, Ba Vì), cô Phùng Ngọc Thanh (THCS Trần Phú, Phú Xuyên), cô Lưu Thị Huệ (THPT Sơn Tây), thầy Lại Tiến Hùng (THPT Mỹ Đức C)... là những người có nhiều sáng tạo đột phá, hiệu quả.
Các em học sinh được làm việc thực sự, được tham gia các trò chơi kết hợp với tri thức khiến học sinh thoải mái và nhẹ nhàng khi học. Các thầy cô tập trung quan sát hoạt động của học sinh thông qua việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ học tập với yêu cầu chuyển giao và thực hiện nhiệm vụ học tập với yêu cầu chuyển giao và thực hiện nhiệm vụ học tập, báo cáo kết quả và thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện.
Điều này không những giúp học sinh vận dụng được kĩ năng và ghi nhớ kiến thức mà hứng thú học tập bộ môn cũng được nâng lên. Học sinh được thảo luận, luyện tập nhóm, tranh luận và tự đánh giá, tạo sự cạnh tranh hào hứng, các bài tập thực hành được chú ý.
Điều đó chứng tỏ những nội dung, tiêu chí Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực đã được hiện thực hóa. Tất cả điều đó đóng vai trò lớn trong việc đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy.
Góp phần làm nên thành công của tiết dạy là sự mẫu mực của các thầy cô giáo. Những tình huống nảy sinh và thắc mắc của học sinh được các thầy cô lắng nghe, giải đáp chu đáo khiến các em rất khâm phục. Chính thái độ sư phạm và năng lực chuyên môn vững vàng của các thầy cô đã góp phần làm nên phong cách của Nhà giáo mẫu mực.