Gạt bỏ bất đồng vì lợi ích chung
Việc ký kết thỏa thuận trao đổi trực tiếp thông tin quân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc phản ánh mỗi lo ngại bất ổn ngày càng lên cao tại Đông Bắc Á, khi Bình Nhưỡng đang tăng tốc phát triển công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân; đồng thời cũng cho thấy bước ngoặt đáng ghi nhận trong quan hệ Nhật – Hàn.
Hiệp ước được ký kết đã loại bỏ vai trò trung gian trong hoạt động tình báo giữa hai nước đồng minh của Mỹ - nước đã cố gắng thúc đẩy quan hệ hợp tác Nhật - Hàn nhằm xóa bỏ di sản hàng chục năm bán đảo Triều Tiên nằm dưới sự cai trị của Nhật trong thời kỳ 1910 – 1945.
Hiệp ước hợp tác quân sự đã được hai bên chấp thuận năm 2012, nhưng khi đó Seoul đã hủy bỏ thỏa thuận chỉ một giờ trước thời điểm ký kết, do sự phản đối của người dân trong nước và không muốn mối quan hệ gần gũi với Tokyo.
Hai vụ thử bom hạt nhân và hàng chục lần phóng tên lửa của Triều Tiên trong năm nay đã buộc Hàn Quốc và Nhật Bản có chương trình phối hợp quân sự chặt chẽ hơn. Hai nước này hiện nằm trong vùng nguy hiểm nhất trước các tên lửa của Triều Tiên.
Phản ứng của các bên liên quan
Ngay sau khi việc ký kết thỏa thuận thông qua Hiệp ước Nhật – Hàn, trên kênh truyền hình quốc gia KCNA, Triều Tiên đã chỉ trích gay gắt hiệp ước quân sự giữa hai nước. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tỏ ra không hài lòng với hành động của Seoul và Tokyo, cho biết nó sẽ làm gia tăng thẳng trong khu vực.
“Bằng cách nắm giữ một tâm lý Chiến tranh Lạnh và tăng cường hợp tác thông tin quân sự, hành động của các nước liên quan sẽ càng làm cho tình trạng đối đầu trở nên căng thẳng và gây mất ổn định trong khu vực Đông Bắc Á”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói tại một cuộc họp báo diễn ra ngay trong ngày 23/11.
Theo thỏa thuận, hai bên sẽ thiết lập kênh trao đổi thông tin quân sự của Triều Tiên, bao gồm: hoạt động phát triển tên lửa được phóng từ tàu ngầm và các bệ phóng di động – vốn là một chiến lược mới của Bình Nhưỡng làm cho việc theo dõi khó khăn hơn.
“Những hình ảnh về tên lửa của Triều Tiên do các vệ tinh Nhật Bản chụp lại, rất có ý nghĩa đối với Hàn Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản cũng nhận được nhiều thông tin tình báo từ Hàn Quốc, nước có vị trí địa lý giáp với Triều Tiên”, Jonathan Berkshire - Miller, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, tại Hội đồng Đối ngoại có trụ sở tại Tokyo, cho biết.
Chuyển động lớn trong niềm tin của đồng minh với Mỹ?
Thỏa thuận này, như đã nói, cũng làm giảm vai trò của Mỹ trong việc cung cấp sự hỗ trợ quốc phòng với hai nước đồng minh Đông Á, một chính sách mà Tổng tống mới đắc cử Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
“Có một viễn cảnh trong thời gian tới là các nước đồng minh của Mỹ sẽ không thể mong đợi gì từ đội ngũ lãnh đạo mới tại Washington. Quan hệ đối ngoại sẽ thay đổi rất nhiều trong thời kỳ ông Trump làm Tổng thống”, ông Berkshire-Miller nói.
Các cuộc đàm phán về thỏa thuận hợp tác quân sự được nối lại vào tháng trước, bất chấp một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đang diễn ra tại Hàn Quốc – với cuộc điều tra nhắm vào Tổng thống Park Geun-hye, cáo buộc bà đã giúp một người bạn thân tống tiền các tập đoàn và sử dụng tài liệu bí mật của chính phủ.
Vào cuối năm ngoái, Seoul và Tokyo cũng đã đạt được một thỏa thuận đột phá, nhằm giải quyết tranh cãi kéo dài nhiều thập niên về việc Nhật Bản bắt phụ nữ Hàn Quốc àm nô lệ tình dục trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.