PCGDMN phải được duy trì thường xuyên
Tỉnh Thừa Thiên - Huế không chỉ làm tốt công tác phổ cập cho trẻ 5 tuổi mà đối với những lứa tuổi thấp hơn cũng có nhiều tiêu chí đạt cao, toàn diện và vững chắc.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao chất lượng PCGDMN cho trẻ 5 tuổi tại Thừa Thiên - Huế; đặc biệt ấn tượng với tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên đứng lớp, tỷ lệ huy động trẻ đến trường, cũng như có tỷ lệ kiểm định chất lượng GDMN đứng đầu cả nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: GDMN là cấp học đầu tiên của hệ thống GDQD giúp trẻ phát triển cả về thể chất tình cảm, hiểu biết thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1.
Thành quả về công tác PCGDMN tại Thừa Thiên - Huế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho PCGDTH. PCGDTHCS, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, làm thay đổi và phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội của địa phương.
Kết quả phổ cập PCGDMN của tỉnh Thừa Thiên - Huế hôm nay là kết tinh của sự chỉ đạo, lãnh đạo thường xuyên, quyết liệt sâu sắc kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thể hiện qua việc các gia đình tại các xã, phường trong tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hiến đất để xây dựng trường mầm non. Điều này đã giúp tỉnh vượt qua nhiều khó khăn thử thách để có được những thành công hôm nay.
Thứ trưởng đánh giá cao ngành Giáo dục Thừa Thiên - Huế có rất nhiều giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo trong việc thực hiện PCGDMN nhất là việc đưa chương trình này vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chỉ rõ: Đạt được phổ cập GDMN đã khó, duy trì giữ vững kết quả PCGD mầm non lại càng khó khăn hơn. Do đó ngành GD-ĐT Thừa Thiên - Huế cần phải tiến hành thường xuyên hơn, lâu dài chứ không phải đạt xong rồi mà không tiếp tục duy trì.
Cần tiếp tục mở rộng quy mô, quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDMN phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao của các bậc phụ huynh trong tỉnh. Quan tâm đến trẻ em ở các khu đông dân cư, khu công nghiệp. Ngoài ra phải có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng để thực hiện tốt chương trình GDMN.
Quan tâm bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, đạo đức nghề nghiệp. Hàng năm phải dành kinh phí bổ sung cho công tác phổ cập đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc GDMN. Cụ thể quan tâm xây dựng phòng học, bếp ăn… Tăng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn vì hiện nay tỷ lệ này của tỉnh Thừa Thiên - Huế thấp hơn trung bình của cả nước.
Đặc biệt tỉnh ngành GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chuẩn, tiêu chí phổ cập, để không ngừng nâng cao kết quả phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chăm sóc trẻ cho các bậc cha mẹ và cộng đồng. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực cho GDMN.
Tại Hội nghị, thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Bộ GD&ĐT tặng bằng khen 6 tập thể, 14 cá nhân; UBND tỉnh tặng bặng khen cho 4 tập thể và 5 cá nhân vì đóng góp tích cực trong công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn.
100% số xã của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt chuẩn phổ cập GDMN
Sau 5 năm liên tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và đào tạo nâng chuẩn cho đội ngũ những người làm công tác quản lý, giáo viên, nhân viên bậc GDMN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Theo báo cáo tổng kết tại hội nghị, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện là một trong rất ít tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn phổ cập, với tất các các xã, phường, thị trấn đều có trường mầm non. Trong số 207 trường tỉnh Thừa Thiên - Huế có 51 trường đã đạt chuẩn quốc gia, với tổng số trẻ trong 5 tuổi đến trường là 17.190 cháu/585 lớp. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi huy động ra lớp đạt 99,15%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi giữ tỷ lệ dưới 3,6%.
Các tỷ lệ khác cũng đạt được rất cao như: tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn 100%, tỷ lệ các lớp học có 2 giáo viên/1 lớp, dạy 2 buổi/ngày theo chương trình GDMN. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi huy động ra lớp đạt 99,15%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi giữ tỷ lệ dưới 3,6%, xây mới 396 phòng học, giảm các điểm trường lẻ từ 882 xuống chỉ còn 461 điểm…
Báo cáo tổng kết tại hội nghị, TS.Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế - nhấn mạnh: Thành quả này có được nhờ các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với Sở GD-ĐT thực hiện các mục tiêu PCGDMN. Khẳng định cách làm khoa học, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên của chúng tôi, họ đã không quản thời gian, sức lực dồn vào việc chăm sóc các cháu, tạo nên không gian và cơ sở vật chất tốt đảm bảo đạt các chuẩn giáo dục mầm non ở trên địa bàn.
Ngoài ra trong quy hoạch đào tạo từ 2015 đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 ngành GD-ĐT Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục rà soát lại từng điểm trường một cách cụ thể, một cách khoa học để chúng ta quản lý, chỉ đạo quy hoạch thật tốt, xây dựng các trường mầm non theo hướng tăng cường chuẩn hóa, hiện đại hóa để đáp ứng các yêu cầu hội nhập và phát triển."