Bước đột phá trong tuyển sinh nghề

GD&TĐ - Năm 2018, Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang tập trung cho công tác tuyển sinh với mục tiêu đạt mốc 2,2 triệu người. Cụ thể, ngành đã ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn hỗ trợ, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tư vấn hướng nghiệp ngay từ đầu năm.

 Bước đột phá trong tuyển sinh nghề

Nhiều chính sách hỗ trợ

Thực hiện mục tiêu tuyển sinh và các mục tiêu đào tạo nghề năm 2018, ngành GDNN sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN, tạo hành lanh pháp lý để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN; Tăng cường và đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về GDNN, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu tuyển sinh GDNN trong năm 2018; Sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chuẩn bị lộ trình đổi mới, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDNN...

Hỗ trợ công tác tuyển sinh năm 2018, vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo... Trong đó, đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức phê duyệt ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Các ngành, nghề được lựa chọn là ngành, nghề có nhu cầu nhân lực lớn phù hợp với yêu cầu phát triển nhân lực có tay nghề của ngành, địa phương, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, cạnh tranh quốc gia và gắn với thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế trong xu thế hội nhập hiện nay...

Ban hành 2 Thông tư: Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 ban hành danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và Thông tư số 37/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 Ban hành danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu...

Các thông tư này nhằm hỗ trợ và góp phần thu hút người học vào học nghề, nhất là đối với những lĩnh vực ngành, nghề học có tính chất đặc thù, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động và xã hội.

Hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu

Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2018, Tổng cục GDNN cùng các Bộ ngành liên quan tổ chức chuỗi chương trình “Tư vấn – Tuyển sinh hướng nghiệp” với sự tham gia của các nhà giáo, nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu thị trường lao động có kinh nghiệm của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, các viện nghiên cứu… sẽ trả lời, cung cấp thông tin về tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, tư vấn chọn nghề, thông tin thị trường lao động, tạo cầu nối cho người có nhu cầu học nghề với các cơ sở GDNN, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác tuyển sinh GDNN năm 2018.

Chương trình “Tư vấn – Tuyển sinh hướng nghiệp” được thực hiện từ ngày 20/1 đến 18/3/2018 tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang, Cần Thơ…

TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: Công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp năm 2018 theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; không chạy theo số lượng chỉ tiêu tuyển sinh; tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Một mặt, cần tập trung cao độ và có giải pháp hiệu quả để thực hiện tốt công tác tuyển sinh cao đẳng, trung cấp hệ chính quy tập trung; mặt khác cần triển khai mạnh việc đào tạo thường xuyên theo hình thức vừa học, vừa làm, ưu tiên đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đào tạo bổ sung, nhất là cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cho sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm để chuyển sang làm việc tại những lĩnh vực còn thiếu lao động như công nghệ thông tin, du lịch...

Theo báo cáo của Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH), công tác tuyển sinh năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực, đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhất là tuyển sinh trung cấp đầu vào là THCS; chất lượng đào tạo được cải thiện. Tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90% với mức thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/tháng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ