Bùng phát dịch sởi tại nhiều địa phương

GD&TĐ - Từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, dịch sởi có chiều hướng gia tăng. Chủ quan trong tiêm phòng đã dẫn đến việc bùng phát dịch sởi trên nhiều tỉnh, thành của cả nước.  

Tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh sởi
Tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh sởi

Gia tăng dịch bệnh

Cục Y tế Dự phòng cho biết: Tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng rải rác, cục bộ từ những tháng cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương… Bệnh sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người mắc bệnh. Hiện nay để phòng bệnh, việc tiêm vắc xin là một biện pháp hiệu quả nhất đối với bệnh sởi. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi khi nhỏ. Thậm chí thời điểm gần một số bệnh viện đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có cả phụ nữ mang thai.

Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước ghi nhận 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi rải rác tại các tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Nam, không có trường hợp nào tử vong.

Ghi nhận tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, ở 20 quận huyện đều có xuất hiện những người mắc bệnh và nhiễm các triệu chứng sởi. Theo thống kê, TP Hà Nội đã có 114 trường hợp mắc bệnh sởi (tăng 14 lần so với cùng kỳ của năm ngoái). Cùng thời điểm này năm 2018, Hà Nội chỉ có 8 trường hợp mắc bệnh.

Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người. Năm 2018 cả nước có 9.741 trường hợp phát ban nghi sởi, trong đó có 1.963 trường hợp dương tính với bệnh sởi, số ca mắc sởi năm 2018 cao hơn 20 lần so với năm 2017. Điều đáng lo ngại, trong số các ca mắc sởi năm 2018 có tới hơn 50% là do không tiêm vắc xin phòng bệnh, 40% ca mắc không nhớ đã tiêm và tiêm đầy đủ chưa. Các ca mắc bệnh chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Nam, và đa số các ca mắc tăng nhanh vào cuối mùa thu. Bệnh sởi gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, thường gặp nhiều nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi. 

Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng cho biết: Từ ngày 10 - 17/1 đã tiếp nhận điều trị cho 85 trẻ mắc sởi. Bệnh viện đã buộc phải dành cả khoa Bệnh Nhiệt đới chỉ tập trung điều trị cách ly riêng cho bệnh nhi mắc bệnh sởi, kể cả khám nội soi, chụp cũng thực hiện ngay tại khoa. Độ tuổi mắc bệnh đa số dưới 9 tháng tuổi. Nguyên nhân chính là do mẹ chưa tiêm phòng trước khi mang thai nên sữa mẹ không mang kháng thể giúp trẻ miễn dịch. Một số khác trên 9 tháng tuổi là do trẻ bị ốm nên hoãn tiêm và bị tiêm muộn, cha mẹ không đưa trẻ đi tiêm hoặc đi tiêm không đúng lịch nên chưa có đủ miễn dịch.

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong tuần đầu tiên của năm 2019, thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 không ghi nhận ca nào. Nếu trong tháng 8/2018 bệnh viện chỉ có một ca mắc sởi, con số này đang tăng lên nhanh chóng lên 119 ca trong tháng 11 và tháng cuối năm 2018 là 226 ca. Hiện tại, bệnh viện này đã tiếp nhận 65 ca điều trị nội trú, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Số ca nhập viện do bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tiêm phòng để loại trừ bệnh sởi

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Sởi có thể mắc ở tất cả các lứa tuổi nếu không được tiêm phòng. Chúng ta không được chủ quan, vì có thể lúc nhỏ không tiêm chủng tuy chưa bị mắc, nhưng đến tuổi trưởng thành vẫn có thể bị mắc. Trên thực tế phần lớn những người mắc sởi đều chưa tiêm chủng. Khi đã nhiễm sởi thì đều có các triệu chứng, nên việc bùng phát dịch đều có thế xảy ra. “Người lớn không nhớ rõ mình đã tiêm chủng hay chưa, hoặc phụ nữ trước khi mang thai thì nên tiêm một mũi sởi và rubella để phòng bệnh. Năm nay đối với những địa phương nằm trong vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, Bộ Y tế tiến hành triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 1 - 5 tuổi một mũi sởi - rubella để tránh bỏ sót những trường hợp chưa được tiêm chủng”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Để đẩy lùi bệnh dịch, ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng) khuyến cáo, các gia đình cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi đi tiêm vắc xin sởi (mũi 1) và từ 18 tháng tiêm mũi 2 (sởi và rubella) tại các trạm y tế xã phường. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.“Bệnh sởi rất dễ lây, nên người lớn không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và bảo đảm các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ