Theo Báo cáo tài sản toàn cầu 2022 do Ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse đã công bố, số lượng triệu phú trên toàn cầu sẽ tăng đột biến trong những năm tới, bất chấp áp lực từ lạm phát, lãi suất tăng và xung đột tại Ukraine.
Credit Suisse dự báo rằng, đến năm 2026 thế giới sẽ có hơn 87,5 triệu người có khối tài sản ròng ít nhất 1 triệu USD, tăng từ con số 62,5 triệu người vào năm 2021. Trong đó, Mỹ dẫn đầu số triệu phú với dự báo có 27,7 triệu người năm 2026 (năm 2021 có 24,5 triệu). Mỹ cũng là quốc gia có số người thuộc nhóm UHNW (nắm giữ tài sản ròng trên 50 triệu USD) nhiều nhất thế giới hiện nay, với hơn 140 nghìn người.
Tuy nhiên, Mỹ không phải là nơi có số lượng triệu phú được dự báo sẽ tăng nhanh nhất mà là ở các nền kinh tế mới nổi. Nổi bật trong số này là Trung Quốc, quốc gia sẽ ghi nhận số triệu phú USD tăng gấp đôi, từ 6,2 triệu người vào năm 2021 lên lên 12,2 triệu người vào năm 2026. Tính theo nhóm UHNW thì Trung Quốc cũng đang xếp thứ hai thế giới sau Mỹ, với 32.710 triệu phú.
Tốc độ gia tăng số triệu phú USD trên thế giới vẫn cao, ngay cả khi 500 người giàu nhất hành tinh đã mất 1.400 tỷ USD tài sản trong nửa đầu năm 2022 do các vấn đề như lạm phát, căng thẳng địa chính trị hay dịch bệnh. Theo Credit Suisse, đây là kết quả từ việc thị trường toàn cầu đang có sự phục hồi nhanh chóng, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển.
Ngân hàng Thụy Sỹ nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra số lượng người giàu khổng lồ, ngay cả khi nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19, sự siết chặt quản lý nhiều lĩnh vực và ngành bất động sản rơi vào giai đoạn suy thoái.
Tính chung trên toàn thế giới, báo cáo của Ngân hàng Thụy Sỹ dự báo tổng giá trị tài sản tư nhân sẽ tăng 36%, lên 169 nghìn tỷ USD vào 2026. Tài sản tính trên mỗi người trưởng thành toàn cầu sẽ tăng 28% và vượt qua con số 100 nghìn USD vào năm 2024. Số lượng cá nhân sở hữu khối tài sản ròng cực cao với hơn 50 triệu USD nắm giữ sẽ đạt 385 nghìn người vào năm này.
Các quốc gia đang phát triển đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19, khiến tốc độ tăng trưởng của cải tư nhân chậm lại. Tuy nhiên, các thị trường này đang dần lấy lại động lực vào năm 2021 và sẽ thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong 5 năm tới.
Theo đó, giá trị tài sản sẽ tăng 10% mỗi năm ở các nền kinh tế mới nổi, so với mức tăng 4,2% ở các quốc gia có thu nhập cao.
Tổng tài sản toàn cầu trong năm 2021 đạt 463.600 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2020. Đây là mức tăng mạnh nhất được ghi nhận kể đầu thế kỷ. “Điều này được xem là một sự bùng nổ về của cải vào năm trước. Con số này có lẽ còn cao hơn bất kỳ năm nào chúng tôi ghi nhận”, ông Anthony Shorrocks, tác giả báo cáo của Credit Suisse nhận định.
Tuy nhiên, Credit Suisse cũng chỉ ra rằng việc giá trị tài sản tăng, số lượng người siêu giàu tăng lên cũng là nguyên nhân khiến khoảng cách giàu nghèo càng nới rộng trên phạm vi toàn cầu.
Hiện nay, nhóm 1% giàu nhất thế giới đang sở hữu tới 46% tổng tài sản hộ gia đình thế giới. Ngoài ra, 10% người trưởng thành giàu nhất thế giới cũng đang nắm giữ 82% tổng tài sản toàn cầu.