Bùn đất tràn vào sân khiến nhiều học sinh chưa thể đến trường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù nước lũ ở Nghệ An đã rút nhưng học sinh ở nhiều nơi vẫn chưa thể đến trường, vì bùn đất tràn vào sân trường, phòng học.

Nhiều sách vở, đồ dùng học tập bị nước lũ làm hư hỏng hoàn toàn. (Ảnh: Phạm Tâm)
Nhiều sách vở, đồ dùng học tập bị nước lũ làm hư hỏng hoàn toàn. (Ảnh: Phạm Tâm)

Trường lớp tan hoang sau mưa lũ

Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, trong 2 ngày qua, mưa lũ khiến hơn 100 trường học tại các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Tân Kỳ, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, Nam Đàn, Đô Lương... phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Đến chiều nay, mặc dù nước lũ đã rút nhưng nhiều trường vẫn chưa thể mở lại lớp. Thầy, cô cùng các em học sinh đang tập trung dọn dẹp bùn đất tràn vào sân trường, lớp học.

Quỳ Châu là địa phương bị thiệt hại nặng nhất tỉnh Nghệ An với hơn 1.100 hộ dân bị ngập sâu từ 0,5-2m.

Sân Trường Mầm non xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu ngập chìm trong bùn non sau lũ. (Ảnh: Phạm Tâm).

Sân Trường Mầm non xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu ngập chìm trong bùn non sau lũ. (Ảnh: Phạm Tâm).

32 trường thuộc 3 cấp học tại huyện Quỳ Châu vẫn phải đóng cửa do nước lũ tràn vào làm hư hỏng nhiều đồ dùng, thiết bị. Một số điểm trường, bùn non cao từ 0,5-1m ngập giữa sân.

Bà Nguyễn Thị Châu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu cho biết, ngoài khắc phục hậu quả mưa lũ tại trường, hàng trăm giáo viên cũng đang tập trung giúp đỡ các đồng nghiệp có nhà bị ngập dọn dẹp lại nhà cửa.

Do nhân lực mỏng, nên việc cào bùn bám tại các phòng học và ngoài sân rất khó khăn. Có lúc bùn tràn ngược trở lại do không có chắn.

Phòng GD&ĐT đang nhờ sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội để việc lao động đạt hiệu quả cao hơn.

“Trường mầm non và tiểu học Châu Thắng đầu tuần sau mới mở lại. Các trường còn lại bị thiệt hại nhẹ, ngày mai học sinh có thể đến lớp”, bà Châu thông tin.

Giáo viên ở huyện Quỳ Châu đang cào bùn ra khỏi phòng học. (Ảnh: Phạm Tâm)

Giáo viên ở huyện Quỳ Châu đang cào bùn ra khỏi phòng học. (Ảnh: Phạm Tâm)

Tại nhiều địa phương ở Nghệ An, hôm nay mưa vẫn tiếp tục diễn ra và nếu mưa còn kéo dài, nhiều địa phương học sinh sẽ vẫn phải nghỉ học.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các nhà trường theo dõi sát sao tình hình thời tiết và chủ động thông báo học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, cũng yêu cầu các trường chủ động trong việc di dời các phòng máy ở tầng 1 lên tầng trên hoặc đến những nơi cao để đảm bảo an toàn, tránh ít nhất thiệt hại xảy ra.

Các nhà trường cũng cần phân công người trực đề phòng nước lên bất ngờ, nhất là những vùng ven sông Lam hoặc có thủy điện xả nước.

Trước và sau lũ, thường xuyên phối hợp với cơ quan y tế làm tốt công tác vệ sinh phòng chống dịch, nhất là khi hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh ở các nhà trường.

Cảnh ngập lụt ở khu vực xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu. (Ảnh: Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An)
Cảnh ngập lụt ở khu vực xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu. (Ảnh: Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An)

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), mưa lớn từ đêm 25 tới sáng 27/9 đã gây ngập úng nhiều nơi.

Sau khi mưa giảm, nước rút, huyện Hương Khê đã phối hợp với các lực lượng tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Ông Phan Quốc Thanh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho hay, do ảnh hưởng của mưa lớn, huyện đã cho gần 7.800 học sinh và 1.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên không phải tới trường.

Đến sáng 28/9, trên địa bàn có 2.437 em học sinh đang tạm nghỉ học, trong đó 5 trường nghỉ hoàn toàn và 2 điểm trường phải nghỉ học do đường chia cắt cục bộ.

Cổng trường và khu vực nhà để xe Trường THCS Hòa Hải bị ngập ngày 27/9. (Ảnh: Trí Quân)
Cổng trường và khu vực nhà để xe Trường THCS Hòa Hải bị ngập ngày 27/9. (Ảnh: Trí Quân)

“Trong thời gian diễn ra mưa lũ, chúng tôi chỉ đạo các trường tập trung các biện pháp phòng chống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học; chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại và bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ giáo viên”, ông Thanh nói

Tùy theo diễn biến thời tiết và điều kiện cụ thể để sắp xếp phương án dạy học phù hợp. Sau khi nước rút phối hợp với ngành y tế xử lý môi trường, đảm bảo vệ sinh các trường.

Ông Trần Đức Thịnh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đợt mưa lớn vừa qua gây ra đợt lũ vừa trên các sông, xảy ra ngập úng, sạt lở đất, gây ảnh hưởng tới giao thông và cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.

Các địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, có phương án khôi phục sản xuất phù hợp.

Bố trí lực lượng hỗ trợ người dân, các nhà trường sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống, hoạt động dạy học. Đặc biệt, cần chú trọng xử lý nguồn nước, môi trường sau ngập lụt, không để xảy ra dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.
Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.