Bức xúc buột ra miệng, nuột nà lặn vào văn

Bức xúc buột ra miệng, nuột nà lặn vào văn

(GD&TĐ) - Chỉ cần đọc tên tập tùy bút Thăm thẳm bóng người của nhà văn Đỗ Chu đủ biết ông là người kỹ càng đến mức nào trong chuyện chữ nghĩa. Có người cho rằng trên văn đàn văn Việt, Đỗ Chu chỉ xếp sau cụ Nguyễn Tuân, một bậc thầy về cái khoản tùy bút. Hẳn là như vậy, con người bằng da bằng thịt hiển hiện trước mắt ta hàng ngày cũng đã quá thăm thẳm rồi, còn nói chi đến bóng người nữa.

 

Chả thế mà người Tàu xưa có câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Theo các nhà khoa học nhân văn hiện đại thì đời sống tâm thần của con người luôn là một bí ẩn khôn cùng. Có lẽ nhà văn Đỗ Chu muốn đem đến cho chúng ta một sự khám phá bất ngờ đầy thú vị về cái miền thăm thẳm của bóng người chăng?

Nhà văn Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, sinh ngày 5/2/1944 tại xã Quảng Minh (Việt Yên,  Bắc Giang). Thuở thiếu thời, ông học ở Hàn Thuyên (Bắc Ninh), một ngôi trường khá nổi tiếng với nhiều học sinh đỗ đạt cao. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đầu những năm 60, Đỗ Chu đã có bài Ao làng đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Theo đánh giá của nhiều người, Đỗ Chu là một tài năng văn chương phát tiết sớm. Còn nhà văn Nguyễn Minh Châu lại nhận xét về ông thời trẻ: "Đỗ Chu như cây quế, thơm từ vỏ thân vào". Vâng, quế thơm đấy, nhưng có lẫn cả vị cay và mùi hắc. Ai chưa quen lần đầu gặp Đỗ Chu trong lúc ông bức xúc có thể cảm thấy khó chịu, vì dường như mọi bức xúc ông đều tuột hết cả ra miệng, không giữ lại bất cứ điều gì trong bụng. Cái ông cần giữ là sự nuột nà đến sang trọng trong mỗi trang văn.

Hãy nghe ông viết về Tô Hoài thì sẽ rõ: "... Người ta hay nhắc đến những trang viết miền núi của Tô Hoài, tất nhiên là hay, nhưng thực ra phần chính yếu của ông là viết về Hà Nội trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Giữa các cụ xuất chúng ông già này cứ lầm rầm đi, lầm rầm làm việc nhưng sẽ là người về sau cùng, trên vai là một gánh sách có ý nghĩa tập đại thành... Nhiều anh thích ầm ĩ quá, trong khi sự tự vượt mình chỉ có thể làm được trong im lặng sống và sáng tạo".

Đọc hết Thăm thẳm bóng người tôi nhận ra đôi điều, ông là người chịu đọc. Dường như trong cái hữu hạn của thời gian một đời người, ngoài những sinh hoạt thường nhật và giao du, bù khú với bạn bè, thời giờ còn lại ông chỉ dành cho cái sự đọc. Sự mê đọc của ông là chuyện không dễ mấy ai làm được, nhưng đọc rồi để thấm, để ngấm, rồi biến hóa thành cái của mình và để lại cho đời những trang viết thực sự sang trọng theo cách riêng như ông thì xem ra trong giới văn chương chỉ đếm đầu ngón tay.

Với nhà văn Đỗ Chu, nguồn mạch văn chương dường như không lúc nào ngừng dạt dào tuôn chảy, đúng như ông tự bạch: "Có con sông Thương chảy vào đời tôi, lại có con sông Cầu chảy qua đời tôi, và có những trang sách hay nâng bước tôi đi theo năm tháng. Nhiều trang trong đó là của các nhà văn cùng thời với mình, tôi lấy làm vinh hạnh đã được đọc họ. Phần nữa là của một nhân loại tài trí đã dành dụm cả ngàn năm để hôm nay gửi tới chúng ta. Đó là những đôi cánh tinh thần đủ sức nâng bổng ta lên, đủ sức kéo ta đứng dậy" (bìa 3, Thăm thẳm bóng người).

Thường một bài tùy bút chỉ khoảng từ vài ba chục trang là người đọc cảm thấy món cháo xúc cảm trực quan của người viết bắt đầu lặp lại mình và nếu xài nữa thì sẽ ngấy lên tận óc. Vậy mà sau khi đọc hết hơn 300 trang Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu, tôi lại muốn đọc nữa. Đó chính là sự khác biệt giữa ông và những người khác.

Theo tôi, bản chất của sự khác biệt ấy tạm gọi nôm na là "Cái tạng" hay cái tài của Đỗ Chu. Đối với nhiều người, tùy bút chỉ là sự giãi bày một khoảnh khắc tâm trạng chủ quan nào đấy của người cầm bút trong lúc hứng khởi bột phát. Mà đã là khoảnh khắc tâm trạng thì không thể kéo dài hàng trăm trang sách được.

Nhưng với Đỗ Chu, ông viết tùy bút là để gửi gắm, tri âm và cộng cảm với hàng trăm, hàng nghìn khoảnh khắc khác nhau giữa mình và những đồng nghiệp văn chương, những con người, cảnh đời, nói một cách chính xác và đầy đủ hơn là những số phận mà anh đã từng gặp. Ông không giấu diếm khi hạ bút về hai người bạn văn của mình là Đồng Đức Bốn và Lâm Huy Nhuận: "Cô đơn ơi là cô đơn nhưng đấy là dấu hiệu xác đáng của một tài năng. Đã không có thân phận, không có buồn vui riêng tư gì nữa phỏng cái viết ra liệu ai đọc, cái bát lên liệu ai nghe ". (tr 106).

Có thể nói quan niệm sống và viết của Đỗ Chu thể hiện khá rõ trong những trang ông viết về việc nhà văn Chu Phác tự bỏ những đồng tiền túi và quĩ thời gian ít ỏi của mình khi đã nghỉ hưu để đi tìm đồng đội.

Trong lúc người ta cần phải nhân lên làm một việc gì đấy để tiến thân, kiếm tiền hoặc đua tranh trên con đường danh vọng thì võ tướng già lại bằng mọi cách để có thể lùi lại đi tìm quá khứ. Nặng nghĩa tri ân là một phẩm chất không thể thiếu đối với những người lính đã kinh qua và dạn dày trận mạc như Thiếu tướng Chu Phác. Vậy thì còn chờ ai bảo hay ra lệnh mới làm.

Đi tìm đồng đội là một nghĩa cử của hậu thế đối với tiền nhân, nhưng cũng là một quá trình tìm lại chính mình của những người còn sống sót sau chiến tranh.

Nhà văn Đỗ Chu viết: "Đời có bao giờ yên ắng, đời đã bao giờ đạt đến được chuẩn mực mà người đời hằng ao ước. Ao ước mười mà được vài ba là rất đáng mừng rồi. Đi tìm nghệ thuật sống đã là biết, đi tìm lẽ sống ở đời mới là biết hơn" (tr 196).

Viết tùy bút thời nay xem ra Đỗ Chu đã thấm đẫm cái triết lý “tìm cái tĩnh trong cái động, tìm cái mấu chốt trong ngổn ngang việc đời” rồi đó. Tùy bút cũng là một quãng lặng để người ta ngẫm về lẽ đời, lòng người. Chính vì thế mà trong cái xô bồ của cuộc sống thị trường hôm nay, tùy bút của anh vẫn được nhiều người trân trọng và đón đọc.

Vẫn biết truyện ngắn là thể loại làm nên nghệ hiệu Đỗ Chu, nhưng cũng không vì thế mà nó có thể khỏa lấp được mảng tùy bút và tiểu luận về chuyện nghề, chuyện đời của ông với hai tác phẩm vừa được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh 2012 là Một loài chim trên sóng (truyện ngắn) và Tản mạn trước đèn (tiểu luận).

Ngọc Đỗ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.