(GD&TĐ) - Ngày 30.4, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã làm lễ khánh thành bức tượng Cô gái Việt Nam của cố điêu khắc Lê Thành Nhơn trao tặng tại công viên Hai Bà Trưng, bên bờ sông Hương (TP. Huế). Đúng như nguyện ước tác giả 9 năm về trước (ảnh).
Bức tượng với khối lượng nặng gần 5 tấn, cao 2,8m được làm bằng chất liệu xi măng trắng do chính nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn (Việt kiều tại Úc, đã mất) thực hiện năm 1970 tại xưởng điêu khắc của ông tại Sài Gòn. Sau này, tượng được chuyển đến một nhà bà con của ông của số nhà 10 Lê Ngô Cát, Q3.TP Hồ Chí Minh.
Bức tượng cô gái Việt Nam |
Trước lúc qua đời 3 tháng. Ngày 8.2.2002 – Lê Thành Nhơn gửi thư cho nhà giáo, dịch giả Bửu Ý ký thác đối với tác phẩm bức tượng “Cô gái Việt Nam” của ông đang đặt tại số 10 đường Lê Ngô Cát. Lê Thành Nhơn nhờ ông Bửu Ý đưa giùm pho tượng cuối cùng này của ông về Huế và trưng bày để “tác phẩm điêu khắc “Cô gái Việt Nam” hứng một thoáng mù sương, một thoáng nắng chơi. Và đây là quà tặng thứ ba mà nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn dành cho Huế đúng vào dịp diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế 2011
Ngoài bức tượng “Cô gái Việt Nam” được gia đình cố điêu khắc – họa sĩ Lê Thành Nhơn trao tặng, trước đó, còn có hai bức tượng nổi tiếng khác là tượng Quán Thế Âm, chất liệu đồng, cao 1,6m đặt tại Trung tâm Liễu Quán Huế. Tượng cụ Phan Bội Châu, chất liệu đồng, cao 4,5m, đặt tại Khu di tích Phan Bội Châu, thành phố Huế cũng được cố điêu khắc – họa sĩ Lê Thành Nhơn gửi đến.
Ngoài ra, tại TP. Huế hiện nay còn có một tác phẩm cũng do chính cố điêu khắc – họa sĩ Lê Thành Nhơn sáng tác nhiều tác phẩm: “bức tượng Phật Thích Ca bằng ximăng cao 4,5m tại chùa Huệ Nghiêm”.
Nhà điêu khắc-hoạ sỹ Lê Thành Nhơn sinh năm 1940, sinh tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ông đã từng giảng dạy tại các trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, Mỹ nghệ Thực hành Bình Dương, Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn...
Trọng Nguyễn