Bức tử rừng bần xây nhà trái phép ở Khánh Hòa: Chính quyền đổ lỗi do thiên tai…?!

Bức tử rừng bần xây nhà trái phép ở Khánh Hòa: Chính quyền đổ lỗi do thiên tai…?!

Rừng bần bị “bức tử” là vì thiên tai…!

Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh thừa nhận: “Việc để xảy ra tình trạng phá rừng bần, chiếm đất, xây dựng nhà trái phép ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ là do huyện thiếu kiểm tra. Nhưng khi phát hiện sự việc, chúng tôi cũng tập trung xử lý quyết liệt.

Trước đó, việc xử lý chưa kịp thời, triệt để. Thường vụ Huyện ủy Vạn Ninh có họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể lãnh đạo UBND xã và lãnh đạo Đảng ủy xã Vạn Thọ, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu là Bí thư và Chủ tịch xã, để xảy ra tình trạng trên”.

Ngoài ra, ông Phẩm cho biết thêm trước đây, người dân đã lấn rừng bần xây dựng nhà. Nhưng sau cơn bão số 12 tháng 11/2017, nhà cửa bị phá hủy nhiều nên người dân có xây dựng lại và cơi nới thêm trên đất rừng để ở.

Đầu năm 2018, khu vực rừng bần xảy ra tình trạng lấn chiếm rầm rộ, dọc tuyến đường chạy qua rừng này bị san lấp hết. UBND huyện có huy động lực lượng công an, cơ quan quản lý liên ngành xuống hiện trường bảo vệ, tiến hành cưỡng chế, tuy nhiên vẫn chưa thể xử lý hết. Khi lập biên bản vi phạm thì các đối tượng lấn chiếm rừng, san nền không thừa nhận đó là đất của họ nên không có cơ sở xử phạt.

Theo các ông Đặng Thành Hòa, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ và ông Nguyễn Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ, hầu như 90% rừng bần chết, mất là do cơn bão tháng 11/2017. Đất nền cũng do sóng biển cào lên và người dân lấn chiếm, đổ đất tạo thành. Địa phương cũng cho lực lượng đi tuần tra canh giữ rừng, ngăn chặn nhưng không xuể.

Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ đã cung cấp cho PV Báo GD&TĐ nhiều tài liệu liên quan đến công tác bảo vệ rừng bần. Theo ông Thông, phương án quản lý bảo vệ và khôi phục rừng bần tại thôn Tuần Lễ đã được huyện Vạn Ninh phê duyệt từ năm 2002.

Rừng bần có tổng diện tích trên 20 hécta, kéo dài từ đầu cầu Tuần Lễ đến giáp xóm Truông và hết xóm Đình và được Xí nghiệp Đo đạc bản đồ nông nghiệp II đo đạc, cắm mốc. Tổng diện tích khu vực rừng bần là: 209.177m2.

Tốn tiền bảo vệ nhưng rừng vẫn… bị phá

Ông Nguyễn Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ nói: “Việc rừng chết và mất hiện nay là do thiên tai bão lũ năm 2017 làm hư hại, chứ không phải do công tác quản lý. Địa phương cũng tổ chức các đợt cưỡng chế. Tình trạng này phức tạp, rất khó khăn và tốn kém”.

Một người dân tại xã Vạn Thọ cho rằng, rừng bần là tài nguyên quốc gia. Trước đây là nơi trú ẩn các loại thủy sản, rất đa dạng. Đây cũng là nơi hình thành làng chài lâu đời. Rừng bần cũng là nơi trú ngụ của hàng trăm loài chim muông về đây sinh sản phát triển. Việc rừng bị tàn phá sẽ làm mất đi giá trị văn hóa lịch sử hàng trăm năm của vùng quê này.

Trước đó, ngày 5/6/2002, UBND tỉnh Khánh Hòa có Thông báo số 236, truyền đạt ý kiến của ông Phạm Văn Chi, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Vạn Ninh có kế hoạch bảo vệ rừng ngập mặn – rừng bần. Cụ thể, giao UBND huyện Vạn Ninh cùng với xã Vạn Thọ tổ chức giải tỏa các hộ dân lấn chiếm đất rừng, làm nhà trái phép tại đây. Kiểm kê toàn bộ số cây còn sống để có kế hoạch cùng với xã và thôn tiến hành giao cho từng hộ dân quản lý, kèm theo những điều kiện ràng buộc cụ thể.

Ngoài ra, UBND huyện Vạn Ninh xây dựng phương án, chính sách bảo vệ đặc biệt trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện. Tiếp đó, ngày 5/12/2002, UBND huyện Vạn Ninh đã có tờ trình xin phê duyệt phương án đầu tư, quản lý, bảo vệ khôi phục và phát triển rừng bần tại thôn Tuần Lễ.

Dự toán kinh phí hàng năm là 168 triệu đồng. Phương án trên đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý. Đến ngày 9/12/2002, UBND huyện Vạn Ninh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án đầu tư quản lý, bảo vệ rừng bần theo kế hoạch. Giao Phòng NN&PTNT, địa chính làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí là 168 triệu đồng.

Trong đó, 100 triệu từ kinh phí tỉnh cấp, 68 triệu từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp lâm nghiệp. UBND huyện Vạn Ninh quản lý, chỉ đạo điều hành chung. Hạt kiểm lâm, Phòng NN&PTNT, địa chính (nay là Phòng Kinh tế), UBND xã Vạn Thọ kiểm tra, giám sát, nghiệm thu việc bảo vệ khôi phục rừng bần.

Ngoài 11 héc ta rừng bần cổ thụ, cây có đường kính từ 70 – 100cm (455 cây bần, 20 cây mắm, 95 cây đước) tự nhiên thì năm 2003 và 2004, địa phương còn cho trồng thêm tổng cộng 10 hécta rừng ngập mặn để chăm sóc bảo vệ. Số rừng và đất rừng này được cắm mốc, đánh số và phân làm 56 lô giao khoán cho 30 hộ dân chăm sóc, quản lý.

Những phương án phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn những năm trước được đưa ra hết sức bài bản. Thế nhưng, hiện nay toàn bộ khu rừng trên, dường như đang bị tàn phá nghiêm trọng. Tại đây, ngoài trên 150 ngôi nhà kiên cố xây dựng trái phép trên đất rừng thì hầu hết diện tích đất rừng còn lại đều bị đắp nền, đóng cọc phân lô tràn lan.

Đã đến lúc tỉnh Khánh Hòa nên vào cuộc kiểm tra, nhằm xử lý các tập thể, cá nhân sai phạm để rừng bần được “hồi sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.