(GD&TĐ) - Công ty cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip từng được đánh giá là một trong những công ty xuất sắc nhất của Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN). Tuy nhiên, kể từ sau khi được cổ phần hóa (năm 2007) thì con số lợi nhuận giảm một cách đáng ngờ. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề đang khiến nhiều cổ đông bức xúc và đặt câu hỏi: Tại sao công ty lại chưa giao nộp tiền trả ngân sách Nhà nước? Liệu số tiền này có bị chiếm dụng, sử dụng bất hợp pháp hay không? Và vai trò của giám đốc và người đại diện vốn Nhà nước như thế nào trong vụ việc này? Hàng loạt câu hỏi chất vấn như vậy cho đến nay vẫn chưa được trả lời thấu tình đạt lý, khiến cổ đông nghi ngờ về sự mập mờ tài chính của công ty.
"Đơn kêu cứu" của cổ đồng Công ty Cổ phần Sở hữu Công nghiệp Investip gửi Báo Giáo dục & Thời đại |
Bức tranh tài chính đáng ngờ?
Theo nhiều cổ đông của công ty Investip cho biết: Bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần (được Bộ KHCN phê duyệt), lợi nhuận năm 2005 (trước khi Investip được cổ phần hóa ) là 7,1 tỷ đồng. Theo Quyết định Xử phạt vi phạm pháp luật về thuế do Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Nội ký ngày 14/7/2010 và Biên bản kiểm tra quyết toán thuế do Cục thuế Hà Nội ký với công ty (đi kèm theo Quyết định nói trên) thì lợi nhuận trong 1 năm rưỡi kể từ 1/1/2006 đến 15/6/2007 là trên 20,1 tỷ đồng. Như vậy tổng lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước trong 2 năm rưỡi trước khi bàn giao sang công ty cổ phần (từ 1/1/2005 đến 15/6/2007) là khoảng trên 27 tỷ đồng.
Tuy nhiên, anh Trần Quang Phương – Nguyên thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và một số cổ đông cho rằng: Kể từ sau khi cổ phần hóa (năm 2007), ban lãnh đạo công ty công bố lợi nhuận rất thấp so với trước: Trong 3 năm 2008, 2009, 2010, ban lãnh đạo công ty công bố lợi nhuận sau thuế chỉ từ 1,2 -1,8 tỷ đồng/năm, mức cổ tức chia cho cổ đông cũng rất thấp. Ngay trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2011 và kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2011-2016 của công ty cũng ghi rõ: Tổng hợp kết quả kinh doanh năm 2011, công ty lỗ 8.769.846.322 đồng.
Anh Trần Quang Phương còn cho biết thêm: Số lượng công việc hàng năm trước và sau cổ phần hóa đều xấp xỉ nhau (năm 2006 công ty đã tư vấn và đại diện cho khách hàng nộp vào Cục Sở hữu Trí tuệ được 171 đơn xin bảo hộ Sáng chế & Giải pháp hữu ích, năm 2007 là 188 đơn, năm 2008 là 178 đơn, và 2010 là 189 đơn) vì cớ gì mà lợi nhuận sau cổ phần hóa lại chỉ bằng một phần cực kỳ nhỏ so với trước cổ phần hóa?. Một điều rất lấy làm lạ đó là: Ngay trong năm 2011 ban lãnh đạo công ty vừa công bố trên website rằng, công ty thua lỗ hơn 8 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty là 8 tỷ, như vậy là công ty thua lỗ hơn 100% và không có một đồng cổ tức nào. Từ sự việc trên cổ đông không khỏi nghi ngờ về sự bất minh trong công tác tài chính của công ty?”.
Theo các cổ đông, một trong những vấn đề khiến họ bức xúc đó là: Công ty không cung cấp cho cổ đông các thông tin cần thiết về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. Nhiều cổ đông bày tỏ: “Cổ đông chúng tôi đã nhiều lần chất vấn tại Đại hội cổ đông, nhưng ban lãnh đạo công ty và người đại diện vốn nhà nước là ông Nguyễn Ngọc Song lảng tránh, không có được giải trình hợp lý. Ngay như anh Phí Long là thành viên Ban Kiểm soát cũng đã nhiều lần phản đối, không công nhận báo cáo tài chính của công ty tại các kỳ Đại hội cổ đông. Cổ đông chúng tôi rất nghi ngờ về tính minh bạch trong hoạt động của công ty và nghi ngờ về những số liệu tài chính được lãnh đạo công ty công bố”.
Ngoài ra, theo đơn thư phản ánh: Hiện công ty vẫn chưa hoàn thành việc giao nộp ngân sách Nhà nước với số tiền ước khoảng hơn 20 tỉ đồng (chưa tính phát sinh tiền lãi trong nhiều năm qua). Tuy nhiên, số tiền này trong suốt thời gian qua không biết được sử dụng ra sao, liệu có bị chiếm dụng và sử dụng bất hợp pháp hay không? Vì chỉ cần đem gửi tiết kiệm thì hàng năm nó cũng mang lại số tiền lãi hàng tỷ đồng. Vậy vai trò, trách nhiệm đại diện vốn Nhà nước ở đâu trong vụ việc này? – Cổ đông đặt câu hỏi.
Trách nhiệm vẫn chưa thuộc về ai?!
Theo anh Phương và một số cổ đông, trước sự mập mờ về tài chính của công ty, các cổ đông đã phải nhiều lần làm đơn thư báo cáo gửi đến Bộ KHCN và Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước SCIC (thuộc Bộ Tài chính), nhưng không nhận được hồi âm.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên chuyên mục Hộp thư bạn đọc – Báo Giáo dục & Thời đại, ông Nguyễn Ngọc Song – Vụ phó Vụ tài vụ Bộ Khoa học Công nghệ là người đại diện vốn Nhà nước tại công ty Investip cho biết: “Hiện “chức danh” này đã được bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC. Cùng chung quan điểm với ông Song, ông Trần Minh Dũng – Chánh thanh tra Bộ KHCN cũng cho rằng: “Hiện Bộ không còn liên quan gì đến công ty Investip nữa, mà trách nhiệm thuộc về SCIC vì Tổng công ty này đang thay mặt Nhà nước thực hiện quản lý phần vốn đó”.
Chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Hồng Hiển – Chánh văn phòng Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC để được làm rõ những vấn đề nêu trên. Mặc dù đã đáp ứng yêu cầu của ông Hiển là gửi công văn của Báo Giáo dục & Thời đại đến để công ty làm căn cứ xếp lịch làm việc. Song đến nay, đã 2 tuần trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được lịch làm việc của công ty SCIC mặc dù ông Hiển xác nhận là đã nhận được công văn từ phía cơ quan Báo.
Như vậy có thể nói, đến thời điểm này câu hỏi về trách nhiệm, vai trò của đại diện vốn Nhà nước trong vụ việc ở Investip là như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ. Rất có thể, nó sẽ tiếp tục được đẩy đi, đẩy lại. Và cũng là lẽ thường tình, dễ hiểu cho những băn khoăn, trăn trở của các cổ đông về quyền lợi của mình và quyền lợi của Nhà nước có thể đã bị xâm hại. Còn dư luận thì cho rằng đây sẽ còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Sỹ Điền