Bức thư cuối cùng từ hầm ngầm Hitler

Bức thư cuối cùng từ hầm ngầm Hitler

Ngày 19/4, Goebbels, lần cuối cùng, trong vai trò đại diện của quốc trưởng (Hitler), qua đài phát thanh đưa ra lời kêu gọi gọi binh sĩ và dân chúng Đức hãy kiên trì chiến đấu để giành chiến thắng.

Ngày 20/4, cũng là lần cuối cùng, Goebbels đã chúc mừng ngày sinh của Hitler.

Ngày 22/4, khi máy bay của Hồng quân và quân Đồng minh liên tục oanh tạc Berlin, vào lúc 17 giờ, Goebbels cùng vợ là Magda và 6 đứa con đã phải chui xuống “hầm ngầm quốc trưởng” để trú ẩn và ở lại đó cho đến phút cuối của cuộc đời mình.

Nhưng, trong trường hợp đang xét, những thông tin từ các bức thư của những người trong cuộc gửi cho người thân, bạn bè trong những ngày ấy cũng rất đáng chú ý. Chẳng hạn bức thư của Magda, vợ Goebbels, gửi cho con trai của mình với người chồng trước là ông Harald. Đó là một lời vĩnh biệt. Một bức thư của lời chia tay.

Người ta cũng tìm thấy lá thư của Goebbels gửi cho Harald - chồng trước của vợ mình - và một mẩu từ lá thư của Goebbels gửi mẹ mình. Bên cạnh đó, người ta còn tìm thấy hai mẩu tin nhắn mà cô thư ký của Hitler viết cho người thân nhưng chưa kịp gửi.

Tuy nhiên, trong những bức thư và tin nhắn này chỉ toàn cảm xúc cá nhân - những lời vĩnh biệt, trăng trối hoặc hẹn thềnơi chín suối - mà không hề có (hoặc vô cùng ít) những thông tin về bối cảnh xung quanh.

Cũng có một vài bức thư có vẻ như ẩn chứa ý ngầm, nhưng mỗi người đọc lại suy luận theo ý của mình, thành thử cuối cùng chẳng ai biết tác giả muốn nói điều gì thực sự qua những ẩn ý ấy.

Người ta đã nói rất nhiều về những ngày cuối cùng của Hitler và những người ở lại đến cùng với y trong căn hầm này, nhưng những thông tin ấy có độ tin cậy không cao, vì chỉ dựa vào lời khai của những nhân vật thứ yếu như lính gác, đầu bếp, thợ điện… phục vụ quanh hầm ngầm.

Ngoài ra còn có những thông tin từ hồi ký của các nhân vật cấp cao của đảng Quốc xã, nhưng cũng không mấy đáng tin, vì thường mâu thuẫn nhau...

Nhưng trong gần mười ngày thê thảm nhất của lịch sử Đức Quốc xã, từ 22/4-1/5/1945, ngoài người lớn, trong hầm ngầm của Hitler còn có 6 đứa trẻ, lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất bốn tuổi rưỡi. Đó là Helga, Hilda, Helmuth, Holda, Hedda, Heidi - con của Goebbels.

Trong mọi tài liệu, sách báo, phim ảnh… nói về những ngày cuối cùng trong hầm ngầm Hitler, 6 đứa trẻ này được thể hiện như những nạn nhân vô tội, hoặc chỉ đơn giản là “con của Joseph Goebbels”. Tuy nhiên, cô chị cả Helga gần như không còn là trẻ con nữa.

Ở tuổi 14, với những biến đổi bất thường về tâm sinh lý, Helga trở nên rất ương bướng và gây không biết bao chuyện khó chịu cho cha mẹ. Goebbels viết trong nhật ký ngày 4/2/1945: “Con bé luôn biểu lộ sự chống đối trong tất cả mọi chuyện... tôi không thể chịu nổi nữa rồi. Có lẽ là lứa tuổi này nó thế... rồi mọi chuyện sẽ qua... Helga giờ đây thật khó bảo. Chỉ vì một xích mích nào đó với cha mẹ hay các em, nó có thể đập vỡ mọi thứ trong nhà… Tôi buộc phải áp dụng những biện pháp cứng rắn... Đôi khi hơi quá rắn... Nhưng tôi hy vọng sau này khi trưởng thành, con bé sẽ hiểu rằng các biện pháp ấy là vô cùng cần thiết…”.

buc thu cuoi cung tu ham ngam hitler
Helga Goebbels.

Và Helga đã trưởng thành... ngay trước khi qua đời. Bằng chứng là bức thư mà cô đã viết trong hầm ngầm Hitler cho người yêu của mình là Henrich Ley, con trai của nhà lãnh đạo Mặt trận Lao động, Robert Ley; mẹ của Henrich là em ruột Rudolf Hess - một trong những trùm phát xít khét tiếng.

Henrich và Helga gần như cùng lứa tuổi, lớn lên cùng nhau và từ chỗ là bạn bè, cô cậu đã phải lòng nhau. Nhưng trong những ngày đó, mẹ của Henrich đã đưa các con mình đi trốn nhằm tránh một kết cục bi thảm.

Dưới đây là một số đoạn trích từ bức thư của Helga Goebbels:

"Henrich thân yêu của em!

Em có thể đã hành xử không đúng khi không gửi bức thư mà em đã viết để trả lời bức thư gần đây nhất của anh. Lẽ ra em phải làm điều đó và em từng có điều kiện để thực hiện - hôm qua bác sĩ Morell rời Berlin và em đã có thể nhờ ông ấy chuyển thư cho anh. Nhưng sau khi đọc lại lá thư ấy, em cảm thấy buồn cười và xấu hổ: do tính hấp tấp của em, bức thư được viết rất ẩu.

Giờ đây, dưới hầm ngầm quốc trưởng, em có đủ thời gian để suy nghĩ mọi thứ thật kỹ càng, chả việc gì phải hấp tấp, vội vàng. Dưới hầm rất sáng sủa. Hầm có nhiều tầng và mỗi tầng có nhiều phòng. Nhưng buồn chết đi được, không có chỗ nào để đi dạo, chỉ có thể đi xuống tầng dưới, nơi có văn phòng của ba em và phòng của các nữ điện thoại viên.

Em không biết có thể dùng điện thoại ở đó để gọi ra được không. Berlin đang bị ném bom và bị pháo kích dữ dội. Nhưng mẹ em nói rằng ở đây thì an toàn tuyệt đối và chúng ta có thể chờ đợi cho đến khi điều gì đó sẽ được quyết định. Em nghe mọi người nói rằng máy bay vẫn cất cánh từ Berlin và ba em bảo em hãy chuẩn bị sẵn sàng để giúp đỡ mẹ nhanh chóng tập hợp bọn nhỏ, vì có thể sẽ phải bay xuống miền Nam.

... Hồi nãy ba em có gọi em ra hành lang, em tưởng ông ấy sẽ la mắng như mọi khi, nhưng không, ông chỉ nhẹ nhàng nói rằng bây giờ em đã lớn, cần chú ý giúp mẹ chăm sóc các em. Trông ba em tội nghiệp quá. Thà rằng ba cứ la mắng còn đỡ thấy đáng thương. Buồn quá. Em đi ngủ đây. Ước gì được sống bình thường trên mặt đất…

Ôi nhưng em chưa thể đi ngủ vì con chó Blondie của quốc trưởng lại đến chơi với em, còn có cả một chú cún lẽo đẽo bên cạnh, vừa đi vừa nhay vú mẹ… Em muốn đi chơi cùng mẹ con Blondie nhưng không dám, vì ba em đã nghiêm cấm: Không được đi lại lung tung trong hầm ngầm.

Một lúc sau, quốc trưởng (nguyên văn: bác Hitler) tới, nói rằng em có thể tùy ý đi đến bất cứ nơi đâu trong hầm ngầm, dù em chưa hề mở miệng xin phép về điều này. Thế là em đi lung tung, vào hết phòng này đến phòng khác. Rất lạ là em không thể ngay lập tức nhận ra một số người quen. Hầu như ai cũng mặt mày thất sắc…

buc thu cuoi cung tu ham ngam hitler
Một phòng trong hầm ngầm Hitler tại Berlin, ngày1/5/1945.

... Ba em lại nói với em rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn. Nhưng hôm nay, mọi người trong hầm ngầm lại bàn tán xôn xao về việc xe tăng Nga đã tiến vào đại lộ Vilhelm của Berlin. Họ cũng nói đến chuyện thống chế Goering bị cách chức vì đã phản bội quốc trưởng.

... Mẹ bị mệt vì đau tim nên em phải trông nom bọn nhóc. Em muốn đưa chúng đi dạo ở bên ngoài nhưng bọn em không được phép lên khỏi hầm vì trên ấy rất nguy hiểm - đã có nhiều người bị thương do mảnh bom…

Những người mà em quen biết ngày càng ít dần - họ chào ba mẹ em như thể chỉ đi đâu đó một hai tiếng đồng hồ nhưng rồi họ không bao giờ trở lại nữa.

Buổi tối, mọi người tụ tập đàn hát, quốc trưởng hứa là gia đình em sẽ sớm được trở về nhà vì ở mặt trận Tây Nam, một lực lượng lớn xe tăng và bộ binh Đức đã đẩy lui được quân Đồng minh. Ba em nói với em rằng không phải thống chế Goering phản bội quốc trưởng, chẳng qua ông ta thấy tình thế tuyệt vọng của những người trong hầm ngầm nên ở bên ngoài ông ta tạm quyền điều hành cuộc chiến.

Hôm nay em được chứng kiến cuộc nói chuyện giữa Ribbentrop (bộ trưởng ngoại giao của Hitler) với quốc trưởng và ba em. Ông nói ông muốn ở lại hầm ngầm với quốc trưởng đến phút chót. Ba em khuyên ông ấy nên tìm cách trốn đi để bảo toàn tính mạng, còn quốc trưởng thì lạnh lùng nói rằng giờ đây ngoại giao đã trở nên vô ích và ngài bộ trưởng có thể dùng súng máy hay súng ngắn tùy ý (để tự sát) và đó là hành động ngoại giao tốt nhất! Em thấy Ribbentrop đưa tay lau nước mắt.

Em nghĩ: gia đình em ở lại trong hầm ngầm này thì có ích gì cho bản thân và cho những người khác? Tội nghiệp mấy đứa em của em, chúng còn nhỏ quá, suốt ngày buồn bã, không thiết chơi đồ chơi. Thương chúng quá. Có lẽ nên đưa chúng ra khỏi nơi đây thì hơn.

Phải chi có anh ở đây, chúng ta sẽ cùng nhau thuyết phục ba mẹ em gửi bọn nhỏ đến chỗ bà ngoại. Một mình em thì không thể làm điều đó.

Ngày 25 tháng 4.

Em giận mẹ lắm, vì mẹ đã yêu cầu bác Schvegermann (bác sĩ riêng của gia đình Goebbels) bắt buộc em phải uống thuốc ngủ, khiến em ngủ li bì suốt một ngày. Mẹ nói rằng do thần kinh của em bất ổn. Nhưng không phải thế! Chỉ vì có nhiều điều em không thể hiểu, nhưng không ai giải thích cả.

Hôm nay bác Hitler la mắng om sòm một ai đó, khi em hỏi bác ấy mắng ai thì ba em lại mắng em. Mẹ em chỉ lặng lẽ khóc. Một điều gì đó đã xảy ra. Hôm nay, Hellmuth (em trai lớn của Helga) đã đi xuống tầng dưới và nghe cô thưký đánh máy Christian nói rằng Goering là kẻ phản bội.

Nhưng chắc chắn không phải thế. Chỉ có điều không hiểu sao bác Goering không tiến hành sơ tán một ai từ cái hầm ngầm chết tiệt này. Nếu máy bay có quá ít chỗ thì chỉ cần đưa những đứa nhỏ nhất đi, Hellmuth ở lại cũng được. Hellmuth đêm nào cũng khóc, mặc dù ban ngày luôn cố vui chơi cùng các em nhỏ.

Anh Henrich, giờ đây em bắt đầu cảm thấy em yêu quý các em của em biết nhường nào. Chúng thực sự là những người bạn nhỏ...

... Một chiếc máy bay vừa mới đáp xuống sân bay Ost-West. Ôi, anh Henrich, ba của anh đã đến đây trên chiếc máy bay ấy và hiện đang ở trong hầm ngầm quốc trưởng.

Lúc đầu em và mọi người không nhận ra, vì ba anh cải trang, mặc quân phục hạ sĩ quan, đeo lon trung sĩ, để râu dài và đeo tóc giả để đề phòng nếu có rơi vào tay địch quân thì có thể che giấu nhân thân. Duy chỉ con chó Blondie của quốc trưởng là tức khắc nhận ra người quen, nó nhảy chồm lên ngực ba anh, rối rít vẫy đuôi mừng rỡ...".

Phần cuối của bức thư kể về những kỷ niệm của mối tình đầu, là những lời chia tay, từ biệt, thiết nghĩ không cần thiết phải trích dẫn ra đây. Dù sao, những đoạn trích trên đây của bức thư đã phần nào miêu tả khá sinh động bối cảnh của những ngày cuối cùng trong hầm ngầm Hitler.

Ngày 28/4/1945, bức thư được chuyển qua Robert Ley, sau đó đã đến được tay người nhận là Henrich Ley và về sau trở thành một trong những cứ liệu lịch sử đáng tin cậy…

Theo petrotimes.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).