Nhà không có bố buồn sao
Cái đinh cũng thiếu, cái dao thì cùn
Bơm xe chẳng hiểu cái jun
Rát tay bật lửa đá cùn, xăng khô
Không có bố, không thì giờ
Bữa ăn sớm muộn, chẳng chờ, chẳng mâm
Ngày đông gió Bấc mưa dầm
Đậy che mái dột, âm thầm mẹ con
Chẳng vui tiếng điếu rít giòn
Bia không mua uống, em còn bán chai
Nước đun sôi để nguội hoài
Nhà không có bố, biết ai pha trà
Cho dù bãi mật phù sa
Mà không bên lở chẳng là dòng sông.
(Nhà không có bố -Nguyễn Thị Mai)
Ra đời năm 1992, đôi hình ảnh trong bài thơ “Nhà không có bố” của Nguyễn Thị Mai có vẻ như đã cũ, nhưng bức thông điệp mà nhà thơ gửi gắm, giờ đây lại đang có một giá trị thời sự lớn.
Bởi gia đình Việt Nam - cái nền móng quyết định sự hưng thịnh, an lành của xã hội, quyết định sự phát triển bền vững, tốt đẹp của mỗi cá nhân đang chứa đựng quá nhiều bất ổn: lỏng lẻo và dễ dàng tan vỡ. Vì thế, Ngày 4/5/2001, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã thay mặt Chính phủ ký Nghị định số 72, lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam.
Ảnh MH |
“Nhà không có bố” nói về sự khuyết vắng vị trí người đàn ông trụ cột trong gia đình. Bài thơ không nói rõ lý do, khiến người đọc có thể liên tưởng đến nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể bố bận việc làm ăn, công tác nơi xa; hay người đã giã từ vợ con ra đi vĩnh viễn; hoặc cái gia đình này vừa trải qua cơn lũ quét xẻ nghé tan đàn. Và cũng có thể đây là trường hợp của một bà mẹ đơn thân… Dù nguyên nhân nào thì sự thiếu vắng người chồng, người cha cũng đã làm cho cái gia đình ấy trở nên neo đơn và khó bề hạnh phúc. Một không khí tồi tội, buồn tủi, quạnh hiu, vô vọng bao trùm lên toàn bộ căn nhà, thấm vào từng ý nghĩ, toát ra từ mỗi con chữ trong bài thơ. Điệp khúc không có bố cứ được tác giả nhắc hoài, nhắc mãi:
- Nhà không có bố buồn sao
Cái đinh thì thiếu, cái dao thì cùn…
- Không có bố, không thì giờ
Bữa ăn sớm muộn, chẳng chờ, chẳng mâm
- Nước đun sôi để nguội hoài
Nhà không có bố biết ai pha trà”
“Nhà không có bố buồn sao”. Câu mở đầu bài thơ như một tiếng thở dài, đầy tiếc nuối. Có lẽ sau những tháng ngày đơn côi dằng dặc, mẹ con chị đã thấm thía cái chân lý giản dị mà chẳng hề giản đơn: vắngngười đàn ông nên quá đỗi quạnh nhà.
Dù rằng về vật chất, chắc chắn gia đình này không khó khăn, thiếu thốn. Bằng chứng là vào thời điểm những năm đầu 90 của thế kỷ trước mà họ đã thường xuyên có bia để uống, có trà để pha. Nhưng thói thường, khi cơm ăn áo mặc đã đủ đầy thì cái mà con người cần nhất lại chính là niềm vui, niềm hạnh phúc. Song thật đáng tiếc, theo người đàn ông của họ, niềm vui đã đùng đùng đội nón ra đi! Giờ đây trong ngôi nhà ấy, nhìn vào đâu cũng gợi cảm giác buồn, chạm vào vật gì cũng thấy như không còn sức sống. Tổ ấm ấy đâu còn là tổ ấm mà chỉ còn lại sự lạnh lẽo, tái tê:
Ngày đông gió Bấc mưa dầm
Đậy che mái dột âm thầm mẹ con
Chẳng vui tiếng điếu rít giòn
Bia không mua uống, em còn bán chai
Dường như có một cái lạnh đang xuyên thấu khắp nơi: không chỉ cái lạnh hữu hình mà chính là cái lạnh vô hình, vô ngôn đáng sợ. Không còn nghe tiếng điếu rít giòn, không còn những phút giây chờ đợi, không còn niềm vui hồn nhiên cho con trẻ được đem vỏ chai bia đi bán….Tất cả những âm thanh của cuộc sống đời thường - tín hiệu của một mái ấm hạnh phúc, bình yên đã dời bỏ họ. Nguyên nhân sâu xa là vì thiếu hình bóng, bàn tay, hơi ấm người cha. Nó đã làm ngôi nhà bỗng trở nên chống chếnh, quạnh hiu; sự sống trở nên trễ nải, tạm bợ, xộc xệch. Không có bố đồng nghĩa với không niềm vui, không hạnh phúc. Bởi hạnh phúc chỉ tồn tại trong những gia đình nề nếp với sự có mặt của tất cả mọi thành viên. Nếu hạnh phúc đã tuột khỏi tay rồi thì mọi sự hối hận đều sẽ muộn màng. Điệp từ “nhà không có” bố như mũi kim xoáy sâu vào lòng độc giả, cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người: Hãy biết trân trọng, giữ gìn những phút giây hạnh phúc gia đình.
Xưa nay, người ta chỉ hay nói đến vị trí đặc biệt quan trọng của người phụ nữ trong gia đình. Nhưng xin đừng quên câu tục ngữ đầy minh triết của cổ nhân:
Thứ nhất là mồ côi cha
Thứ nhì gánh vã, thứ ba sơn tràng
Tại sao gánh vã là công việc nặng nhọc (gánh nặng đi bộ), sơn tràng là nghề cực khổ, nguy hiểm (vào rừng xanh núi đỏ để kiếm sản vật của núi rừng) nhưng cũng không thấm vào đâu so với nỗi bất hạnh khi bị mồ côi cha? Bởi gánh vã và sơn tràng chỉ là nỗi khổ thân, còn không có bố mới là nỗi khổ tâm lớn nhất đối với một kiếp người.
Ai cũng biết, sinh con, nuôi con là công việc rất khó nhưng dạy con còn lao tâm khổ tứ hơn nhiều. Công việc ấy rất cần sự dẫn dắt, chỉ bảo của người cha, bởi trời sinh ra người đàn ông ngoài tình phụ tử họ còn có những phẩm chất của môt nhà sư phạm nghiêm túc, cứng rắn, bản lĩnh và phóng khoáng. Mọi đứa trẻ muốn trở thành người tử tế, đàng hoàng đều cần phải bám vịm vào tay cha, nương tựa vào vai cha, được cha chở che bao bọc. Mỗi gia đình luôn có 4 chức năng: sinh con đẻ cái; nuôi dưỡng các thành viên, chăm sóc trẻ thơ, người già yếu, ốm đau; tạo dựng các mối quan hệ xã hội, làm kinh tế. Hiện nay, phụ nữ càng ngày càng giỏi giang, nhiều người với sự nỗ lực không ngừng có thể dư sức làm được cả 4 nhiệm vụ cơ bản ấy. Nhưng hạnh phúc chỉ thật sự mỉm cười trong những ngôi nhà có đủ đầy cả mẹ - cha, con cái.
Nếu vắng bất kỳ thành viên nào thì cái gia đình ấy vẫn không trọn vẹn. Những người còn lại dù cố gắng mấy cũng không khỏi có phần thiếu hụt về nhân cách. Và cái tổ ấm của họ vẫn chưa phải là một tổ ấm lý tưởng con người mong đợi:
“Cho dù bãi mật phù sa
Mà không bên lở chẳng là dòng sông.
Nhẹ nhàng mà sâu lắng, bài thơ “Nhà không có bố” của Nguyễn Thị Mai mang đến bạn đọc và mỗi thành viên trong các gia đình bức thông điệp quý báu của muôn đời: Tổ ấm gia đình không gì sánh được. Xin hãy cùng chung sức xây tổ ấm.
Trần Thị Trâm