Bữa trưa học đường: Bài học về kỹ năng, lối sống

GD&TĐ - Bữa trưa học đường là niềm tự hào của giáo dục Đài Loan, Trung Quốc.

Học sinh Đài Loan thực hành chế biến rau củ.
Học sinh Đài Loan thực hành chế biến rau củ.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc và Nhật Bản còn coi bữa trưa tại trường là dịp giáo dục học sinh về kỹ năng, đạo đức.

Nâng cao chất lượng xã hội

Vào đầu những năm 1950, Đài Loan tụt hậu so với nhiều nơi khác và trẻ em bị suy dinh dưỡng. Năm 1951, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã tặng sữa bột cho hơn 150 trường tiểu học tại Đài Loan, lần đầu tiên đưa khái niệm “dinh dưỡng” vào hệ thống trường học.

Đến những năm 1980, do phụ huynh đi làm xa, ít có thời gian chuẩn bị bữa trưa cho con cái nên ngày càng nhiều người trông cậy vào trường học. Kể từ đó, ngành Giáo dục quan tâm và chú trọng bữa trưa học đường.

Bữa trưa không chỉ là món ăn, mà còn là một phần của quá trình trải nghiệm và học hỏi trong cuộc sống. Anh Xu Chunshan - chuyên gia dinh dưỡng của Trường Tiểu học Renwu, cũng rất chịu khó tìm cách chế biến những món ăn mà học sinh ghét như mướp đắng, cà tím. Đơn cử, anh nấu canh gà bằng mướp đắng, xào thịt lợn băm với cà tím.

Học sinh cần vượt qua “rào cản” với một số món ăn như ăn kèm cơm, ăn miếng nhỏ, uống nước. Bằng cách này, các em sẽ không kén chọn và phát triển khả năng ứng phó với thách thức.

Năm 1982, Văn phòng Giáo dục Đài Loan (MOE) đã ban hành chương trình bữa trưa dinh dưỡng tại các trường tiểu học và trung học. Sau 20 năm phát triển, năm 2002, Đạo luật Sức khỏe Học đường đã được thông qua, trao quyền cho các chuyên gia dinh dưỡng kiểm soát các bữa ăn tại trường và cung cấp giáo dục sức khỏe thực phẩm.

Ngoài ra, Hội đồng Nông nghiệp trợ cấp cho các trường học để sử dụng các thành phần được sản xuất theo các chương trình chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ, trong nước hoặc chất lượng cao.

Hơn nữa, MOE đã áp dụng các tiêu chuẩn cho nội dung của bữa ăn tại trường học và tạo ra Nền tảng Đăng ký Thành phần Thực phẩm tại Trường học trực tuyến, nơi phụ huynh có thể xem thông tin chi tiết về các bữa ăn trong trường học.

Nhiều địa phương thậm chí có thể phân phối rau và gạo hữu cơ ít nhất một lần mỗi tuần. Những nỗ lực trên không chỉ giúp cải thiện chất lượng bữa trưa học đường, mà còn tăng khả năng giáo dục học sinh thông qua bữa ăn, mở rộng cơ hội việc làm và nguồn tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị sản xuất, nuôi trồng trong khu vực.

Số liệu của MOE cho thấy hiện nay, 100% học sinh tại gần 3,4 nghìn trường tiểu học và trung học Đài Loan được tiếp cận bữa trưa dinh dưỡng. Mỗi suất ăn có giá từ 32 – 50 TWD. Trẻ em đến từ các gia đình nghèo, trẻ khuyết tật…, sẽ nhận bữa trưa miễn phí. Một số địa phương như Kinmen, Matsu, Hsinchu, Miaoli, Changhua, Hualien phổ biến bữa ăn miễn phí cho tất cả học sinh phổ thông, không kể thu nhập gia đình. Mục tiêu là “không bao giờ để học sinh chịu đói”.

Vào năm 2022, một YouTuber người Pháp đã quay video ghi lại phản ứng ngạc nhiên của học sinh Pháp khi thử bữa trưa học đường tại Đài Loan. Nhận xét chung của các em là các món ăn được nêm nếm gia vị vừa phải, trình bày đẹp mắt. Để làm được điều này, các trường phổ thông tại Đài Loan luôn nỗ lực thay đổi, cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và tìm cách khơi dậy niềm đam mê ăn uống của học sinh.

bua-trua-hoc-duong-bai-hoc-ve-ky-nang-loi-song-5-7608.jpg
Một giờ ăn trưa của học sinh Nhật Bản.

Khơi dậy hứng thú

Tại Trường Tiểu học Chiapei, bếp trưởng Yang Shumei luôn trăn trở về phương pháp chế biến rau củ hấp dẫn hơn. Yang lưu ý nhiều đầu bếp nấu rau quá chín khiến món ăn bị nhũn, màu ngả vàng khiến trẻ em không hứng thú. Để đảm bảo món ăn được ngọt và xanh, bếp trưởng Yang thường chần rau trước khi xào. Cô cũng lưu ý những chi tiết nhỏ như thêm đường khi luộc rau cải xanh để giảm đắng, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

Giành giải Nhất tại cuộc thi Bữa trưa học đường Đài Loan năm 2018, Trường Tiểu học Xiufeng, Tân Bắc, có tỷ lệ học sinh ăn trưa tại trường đạt 99,7%, trong đó chỉ 5 em không đăng kí. Quản lý chương trình bữa trưa học đường là chuyên gia dinh dưỡng Yang Jui Ping với 8 nhân viên bếp, chủ yếu là mẹ và bà của học sinh. Họ chuẩn bị bữa trưa cho hơn 2 nghìn học sinh và giáo viên.

Thực đơn bữa trưa của nhà trường thay đổi theo ngày nhưng sẽ cố định gồm 3 món ăn, một món súp và trái cây. Một thực đơn điển hình gồm món chính là cà ri thịt lợn nạc, ăn kèm dưa chuột, rau bina, rong biển thái sợi và súp miso.

Tráng miệng là món táo tàu. Ngoài ra, trường còn chuẩn bị khẩu phần cho người ăn chay, và những món ăn theo phong cách nước ngoài như cà ri Nhật Bản. Với mỗi bữa ăn này, học sinh trả 45 TWD, trong khi chính quyền trợ cấp 10 TWD. Tổng trị giá bữa ăn là 55 TWD.

Chuyên gia Yang cho biết ngoài giá trị dinh dưỡng, các bữa ăn cũng được bày biện đẹp mắt, thơm ngon, hấp dẫn. Trong đó, học sinh được giảng dạy phải ăn rau xanh để đảm bảo đầy đủ chất cần thiết cho sự phát triển. Rau xanh được các nông trại gần trường cung cấp.

Chưa dừng lại ở đó, mỗi bữa ăn đều là cơ hội để giáo dục đạo đức, kĩ năng học tập xã hội - cảm xúc cho học sinh. Tại Trường Tiểu học Renwu, Cao Hùng, bữa trưa học đường gắn liền với giáo dục dinh dưỡng. Nằm ở quận Renwu có nhiều khu công nghiệp nặng, trường có một vườn rau lớn, trồng nhiều rau có lợi cho phổi như củ cải trắng, bông cải xanh, cà rốt…

Ngoài ra, học sinh được dạy về tác động của các hạt bụi mịn trong không khí đối với sức khỏe và lợi ích của rau xanh. Sau buổi học, các em sẽ mang xẻng ra vườn thu hoạch rau, rửa sạch để chuẩn bị cho bữa trưa ngày hôm đó. Các hoạt động dạy học trên giúp học sinh nhận thức nguy cơ ô nhiễm không khí từ các khu công nghiệp nặng, học cách bảo vệ sức khỏe bản thân thông qua các bữa ăn giàu giá trị dinh dưỡng.

Bà Zhang Shumin - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo thuộc Trường Tiểu học Renwu, cho biết, học sinh dành nhiều giờ ngoài vườn rau. Thông qua hoạt động này, các em hiểu về quy trình trồng rau, giá trị của rau và mối liên hệ với thiên nhiên. Nhờ đó, các bữa trưa cũng trở nên hấp dẫn, ngon miệng hơn trong mắt học sinh.

bua-trua-hoc-duong-bai-hoc-ve-ky-nang-loi-song-1-3379.jpg
Học sinh Đài Loan tự trồng rau trong vườn trường.

Công cụ giáo dục đạo đức

Giống như Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đều coi bữa trưa học đường là công cụ để giáo dục học sinh về các kĩ năng học tập xã hội - cảm xúc. Bữa trưa là sự mở rộng của các nguyên tắc và khái niệm về giáo dục đạo đức.

Sau khi chuông hết giờ reo lên, học sinh phải quy tụ về phòng ăn. Bữa trưa ở trường học ở Nhật Bản và Hàn Quốc hoạt động theo mô hình tự phục vụ. Các em không được phép chen lấn, xô đẩy bạn bè. Một số em tham gia vào công đoạn phục vụ bữa trưa. Sau khi ăn xong, học sinh phải dọn và xếp khay thức ăn đúng nơi quy định. Hoạt động này tạo nên sự thống nhất, quy củ trong một tập thể, giúp học sinh hình thành tính ngăn nắp, kỉ luật, ý thức nhóm.

Ngoài ra, trước khi ăn hoặc sau khi ăn, học sinh Nhật Bản, Hàn Quốc được dạy phải cảm ơn người đã nấu món ăn cho mình, hứa “sẽ ăn thật ngon miệng” và hạn chế tối đa việc bỏ phí thức ăn. Điều này thể hiện sự biết ơn với những người đã bỏ công chế biến thức ăn và quý trọng thức ăn.

Nhìn chung, Đài Loan cùng nhiều nơi khác ở châu Á đã coi bữa trưa học đường là một công cụ hữu ích để tiếp cận trẻ em. Đầu tiên, nó mang lại giá trị dinh dưỡng, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh. Từ đó, nó đảm bảo học sinh được an toàn ở trường học, kích thích khả năng học tập và niềm vui khi đến trường.

Ngoài ra, bữa trưa còn là công cụ giáo dục học sinh về kĩ năng học tập xã hội - cảm xúc, tác phong ăn uống, nhân cách và đạo đức. Đây cũng là cơ hội để học sinh kết nối với thầy cô, bạn bè. Sự thành công của Đài Loan và các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản là động lực góp phần đưa bữa trưa học đường trở nên phổ biến hơn trong khu vực.

Với những giá trị đặc biệt, Indonesia mới đây đã triển khai thử nghiệm chương trình bữa trưa miễn phí tại trường học dành cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều phụ huynh chia sẻ con cái ít bị bệnh, có động lực học tập hơn và thích đến trường.

Ông Shalahudin Sanusi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồi giáo Gelarsari, bang Sukabumi, nơi đang thử nghiệm chương trình, đánh giá học sinh có thể tập trung tốt hơn và hiểu bài học nhiều hơn. Sáng kiến trên đã nâng tỷ lệ đi học tại Trường Tiểu học Hồi giáo Gelarsari từ 85% lên 95%.

“Trước đó, các em ăn uống khiêm tốn ở nhà, chủ yếu là cơm và cá muối. Bây giờ với bữa trưa giàu dinh dưỡng, các em hào hứng đi học. Một số em thậm chí còn đến trường từ 6 giờ, trước giờ học một tiếng”, Hiệu trưởng Shalahudin Sanusi cho biết.

Theo các chuyên gia giáo dục, bữa trưa học đường giúp học sinh thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng ổn định và góp phần vào nhu cầu về sự an toàn và kết nối. Giờ ăn trưa giúp xây dựng mối quan hệ và lòng tin giữa học sinh với người lớn. Thời gian ăn cùng nhau cũng là cơ hội để học sinh kết nối với bạn bè, trau dồi các kĩ năng học tập xã hội - cảm xúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ