Bữa cơm tất niên

GD&TĐ - Bữa cơm tất niên năm nay Nhung thấy bình yên và ấm áp. Những chuyện buồn đã qua hãy cho qua đi, sống ở đời là luôn hướng đến tương lai cơ mà.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Nhung vội vàng vơ hết quần áo nhét nhanh vào vali. Như thể nếu không thật nhanh thì sẽ không kịp. Cái Lan tiếng lanh lảnh bước vào: “Ơ, con hâm này, mày lại giở chứng à. Chiều 29 Tết rồi đấy thưa mày. Mày lại định xách vali ra bến xe ngồi khóc lóc, sau đó gọi điện bắt tao đèo về đấy hả?”.

Đôi bàn tay của Nhung vẫn thoăn thoắt, cô cũng chẳng buồn ngẩng mặt lên nhìn Lan, giọng quả quyết: “Lần này, tao về thật!”.

- Thật? - Lan bật cười khanh khách, chả phải mày bảo ông già mày vẫn còn giận mày lắm à. Về lỡ…

- Không, lần này khác, đã đến lúc tao nên về rồi!

Lan lắc đầu ngao ngán nhìn bạn:

- Ừ, kể ra mày vẫn có nơi để mà về, chứ như tao... rồi chép miệng thở dài.

- Mày cùng về với tao đi, tao coi mày như người thân trong gia đình. Để mày ăn Tết một mình tao cũng không đành lòng đâu.

- Kệ mày, tao ngại, hai bố con mày đang giận nhau tao không muốn xen vào.

- Không, có mày cùng về, bố sẽ đỡ giận tao hơn.

Chút lưỡng lự thoáng hiện trong tâm trí Lan. Kể mà ở lại ăn Tết một mình cũng chán, suốt bao năm quanh quẩn ở cái xóm trọ này, hết ăn rồi lại ngủ, chán kinh khủng. Mà cũng tò mò về bố của Nhung nên Lan thầm nghĩ hay là mình về một chuyến xem sao. Liếc mắt nhìn Nhung, Lan buột miệng: “Thế cũng hay đấy nhỉ?”.

Ánh mắt Nhung bừng sáng: - Thật nhé, cấm có thay đổi.

- Ờ. Nhưng mà tao bảo này, giờ muộn rồi làm gì có xe hả mày, ngủ đi rồi mai tao với mày đi xe máy về sớm nhé. Lan cố gắng thuyết phục bạn. Nhung vẫn ánh mắt vui sướng ban nãy nhìn bạn gật đầu lia lịa.

Đêm, nằm trong căn phòng trọ chật hẹp, ấy vậy mà vẫn nghe tiếng gió rít từng hồi. Rét thật, tê cóng cả chân tay. Nhung khuếch mạnh vào tay Lan:

- Con này, cái đõ gió kia tao bảo mày tranh thủ lấy bìa giấy bịt vào cho đỡ lạnh thì lừng khừng mãi không làm, giờ sắp hết cả mùa Đông rồi.

- Thôi, ăn Tết xong làm cả thể mày ạ. Ngủ đi, mai còn dậy sớm.

Cả đêm Nhung trằn trọc. Giờ này, có lẽ bố cũng đang thức, đêm trước ngày giỗ mẹ bố vẫn thường không ngủ được. Bà cụ gần nhà bảo rằng đợt này bố ho nhiều lắm, sù sụ cả đêm, ấy vậy mà bố có bỏ được cái tật hút thuốc lào và uống rượu đâu.

Nhung nằm co người. Căn nhà lá liêu xiêu lại hiện về trong ký ức của Nhung. Nhà Nhung - mái nhà tranh nằm nấp mình dưới đồi cọ mênh mông. Ngoài việc làm nông, bố Nhung thường chăng lưới bắt cá, mùa cá vắng bố lại đi chặt lá cọ thuê nên cuộc sống gia đình Nhung cũng chẳng lấy gì làm khá giả. Nhung nhớ rất rõ, mái nhà tranh hở hốc, hở hoác.

Có những ngày gió thổi mạnh, lá lợp nơi đầu đốc lung liêng, rơi rụng, nước hắt vào ướt gần nửa gian nhà. Mùa Đông đến gió lùa vào lạnh tê người, nằm trong nhà mà thấy sương rơi. Hồi mẹ còn sống, cứ cuối năm là bố mẹ sẽ chặt lá cọ rọi nhà, vách đất chỗ nào hở ra lại chát lại. Nhưng từ khi mẹ mất, bố cũng bận bịu lo toan hơn việc tu sửa nhà cửa bố cũng chẳng mấy quan tâm như trước nữa.

Mẹ mất khi Nhung còn khá nhỏ vì căn bệnh nan y, nếu nhà có điều kiện chữa trị thì mẹ đã không mất nhanh như vậy. Ngày nhỏ, Nhung đã từng trách, sao bố không bán nhà đi để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. Những lúc ấy mắt bố đỏ hoe, bố ôm Nhung vào lòng mà chẳng nói gì.

Bố vẫn vậy. Người đàn ông trầm tư và ít nói. Dáng bố cao gầy, khuôn mặt vuông vức với điểm nhấn là bộ râu quai nón, đôi mắt sâu và làn da thấm đẫm nắng gió. Bố xấu trai, “thằng Đông-ki-sốt phương Đông” - mọi người vẫn quen gọi bố như vậy. Nhung cũng thấy bố xấu trai thật, vừa xấu, vừa khắc khổ. Nhưng mẹ thì khác, mẹ là người đàn bà đẹp, vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng, mẹ hay nói, hay cười. Người ta toàn xì xào “đúng là hoa nhài cắm bãi phân trâu, người đâu đẹp người, đẹp nết lại lấy cái thằng đến là xấu, lại còn nghèo nữa”.

Nhung đã từng đem những thắc mắc đó hỏi mẹ. Mẹ chỉ cười trừ mà rằng: “Có những chuyện trẻ con không hiểu được đâu”. Thế nên Nhung cũng kệ, quan trọng gì đâu. Vì chỉ cần bố mẹ yêu thương Nhung là đủ, vả lại Nhung cũng giống hệt mẹ mà, giống mẹ nên mới đẹp. Nhung thầm nghĩ cảm ơn trời đã không để Nhung mang một nét nào của bố, nếu không thì xấu lắm.

Càng lớn Nhung càng xinh gái, chẳng khác một bông hoa rực rỡ giữa nghèo nàn và hoang dại. Càng lớn Nhung càng thấm thía sự thiếu thốn của nghèo khó. Mùi cá tanh tưởi sau mỗi lần kéo lưới của bố cứ ám ảnh Nhung mãi.

Bố ngày một già đi, mà kể từ khi mẹ mất, bố già đi rất nhanh. Những việc bố có thể đi làm thuê ngày một ít hơn. Có những bữa ăn chỉ có chút thịt mà bố cứ nhường Nhung suốt. Khổ, cái gì ngon bố cũng luôn phần Nhung.

Có hôm Nhung gắp cho bố ăn rồi rôm rả: “Bố ăn đi, gái lớn rồi sắp đi làm kiếm được nhiều tiền rồi, bố không phải lo”. Bố chỉ gượng cười, những lúc như thế trông bố tươi vui hơn hẳn, khuôn mặt ủ dột như bừng sáng: “Con còn nhỏ, cố gắng học hành cho nên người là bố yên tâm rồi”. Nhung thấy bao hy vọng, nó luôn tự nhủ sau này bằng mọi cách mình phải giàu có.

Dạo đó, có một đại gia ở phố về, họ bỏ tiền ra thầu và mua lại đất trồng lúa của các hộ dân có đất trong cánh đồng. Biết tin ấy, nỗi buồn như thăm thẳm trong mắt bố, chẳng biết có phải vì bố sẽ mất chỗ để kiếm kế sinh nhai hay là vì còn một nỗi niềm nào khác. Một buổi chiều hoang hoải, bố kéo chiếc thuyền nan lên phơi nắng, trong mơn man của gió chiều bố nhìn ra cánh đồng nơi mặt nước mênh mông vút tầm con mắt, người ta đang dùng những chiếc máy múc, những xe trở đất để be bờ đắp đập, vậy là sắp có một trang trại mới được xây dựng. Bố thở dài não nề, nỗi buồn mênh mông ngỡ như mặt nước kia vậy.

Nhung xin vào làm thuê cho trang trại, dù bố không muốn. Vẻ đẹp của Nhung đã hớp hồn lão chủ trang trại, dù lão đã lớn tuổi và có vợ con. Lão quan tâm và cho Nhung khá nhiều tiền, Nhung tậu được xe gắn máy, Nhung có tiền để mua đồ ăn ngon hơn, rồi Nhung cặp kè với lão. Sự việc bị vỡ lở, vợ lão tìm đến tận nhà chửi bới, mắng mỏ Nhung và bố.

Hôm ấy, lần đầu tiên Nhung bị bố đánh, bố nói với Nhung sống ở đời cần có lòng tự trọng, dù nghèo khó vẫn nên trong sạch. Nhung cãi bố vậy tự trọng và sĩ diện có tạo ra tiền không. Con chán ngấy cái cuộc sống nghèo khó này rồi. Nỗi tuyệt vọng trùm lên đôi mắt bố. Bố tát Nhung một cái thật đau rồi hét lên: “Cút đi, tao không có đứa con như mày!”.

Nhung lao đi trong đêm tối. Tiếng rít của gió Đông, cũng không át đi được tiếng gào đầy bất lực của bố. Bánh xe lăn bánh vun vút trong đêm lạnh, Nhung cũng không biết mình sẽ đi đâu, chỉ biết ngay lúc đó Nhung muốn đi thật xa. Lòng vẫn luôn trách tại sao bố luôn chịu đựng sự nghèo khổ, chẳng lẽ tự trọng và sĩ diện quan trọng với bố đến vậy sao.

Con đường trước mắt càng lúc càng sâu hun hút và tịt mịt trong đêm thâu. Nhung lịm đi trong đêm tối.

Tỉnh dậy, người ngồi trong bệnh xá với Nhung khi ấy chính là Lan. Lan trạc tuổi Nhung, với mái tóc tém, trông Lan khá cá tính, dáng người thô khỏe, giọng nói to và đanh. Thấy Nhung nằm khóc, Lan hắng giọng:

- Thôi nín đi, mất thì cũng đã mất rồi!

- Sao cơ, chị nói cái gì mất? – Nhung ngạc nhiên hỏi.

- Còn sao nữa, đứa con trong bụng mày mất rồi, đêm hôm mò mẫm đi đâu, bị trai bỏ à?

Nhung như chết điếng người. Nó nằm câm lặng mà nước mắt rơi lã chã.

- Thôi, khóc gì nữa, thế có khi lại hay đấy, nó mà có ở lại nhưng cha nó không nhận thì cũng tội lắm. Xem nào liên lạc về cho gia đình đi.

Nhung lắc đầu, cái lắc đầu đầy tuyệt vọng, có lẽ đó là cái giá mà Nhung phải trả. Không thể nào để cho bố biết được, bố sẽ rất sốc.

- Nhà trọ ở chỗ nào, tôi đèo về?

- Tôi, tôi không có chỗ nào để về. Nhung bật khóc.

- Thôi, nín đi, tôi là tôi ghét nhất mấy thể loại khóc lóc ỉ ôi lắm rồi, đời mà phải mạnh mẽ lên. Theo tôi.

Nhung và Lan đã quen nhau như thế. Lan thẳng tính, nói những lời dễ làm lòng người tổn thương nhưng khi đã hiểu thì sẽ thấy Lan rất tốt tính và chân thành. Lan từng tâm sự “sinh ra mà không biết bố mẹ mình là ai, đau lắm, nhưng mà cũng thú vị lắm. Họ nói, tao được sinh ra bởi một con đĩ, họ cười nhạo tao, nhưng tao kệ thôi, mình không có quyền lựa chọn người sinh ra mình. Chỉ hy vọng mình sống tốt đời mình là được rồi”.

Nhiều năm rồi 2 đứa vẫn quấn quýt bên nhau, coi nhau như người thân trong gia đình. Mỗi dịp Tết đến, Nhung lại thấy nhớ nhà nhiều hơn, nhưng nó không đủ can đảm để về gặp bố. 30 Tết là ngày giỗ của mẹ, như thói quen Nhung lại mua sắm, sắp xếp hành lí chuẩn bị về quê, nhưng rồi nó lại ra bến xe ngồi khóc vì không đủ bản lĩnh để về.

Nhớ khi xưa, cứ 30 Tết Nhung cùng bố chuẩn bị đồ cúng giỗ mẹ, và 2 bố con cùng đón tất niên đầm ấm trong căn nhà nhỏ. Bố luôn nấu những món ăn mà khi còn sống mẹ rất thích, toàn các món đơn giản, chủ yếu làm từ đồ bố đánh bắt từ đồng.

Bố bảo, bố và mẹ sống và lớn lên nhờ đồng nên những món ăn luôn gắn liền với đồng áng. Khi ấy, mùi thơm của nhang trầm quyện với mùi của thức ăn sao mà an nhiên, ấm áp đến lạ thường.

Gió rít từng hồi, đêm nay lạnh quá. Có lẽ bố đang ho, cơn ho của bố nghĩ đến mà Nhung thấy quặn thắt ở trong lòng. Lâu rồi, Nhung không được nghe giọng nói của bố. Thường ngày, Nhung vẫn luôn hỏi thăm bố qua bà cụ gần nhà. Lần nào bà cụ cũng thở dài mà rằng: “Bố con nhà này tính tình hệt nhau, giống nhau ở sự cố chấp”.

Nhưng câu chuyện ban chiều bà cụ kể khiến Nhung không cầm được nước mắt, Nhung thấy mình thật tội lỗi. Nhung cố kìm nén để tiếng nấc không phát thành tiếng, như thế Lan sẽ dậy và hục hặc mắng.

- Con này, hôm nay mày bị làm sao thế?

Câu hỏi của Lan làm Nhung giật bắn mình, vội vàng lấy tay lau 2 hàng nước mắt, Nhung sụt sịt: “tao làm mày tỉnh giấc à?”.

- Tao không ngủ, tao thức để trông mày, hôm nay mày lạ lắm.

- Lan này, mày có bao giờ tò mò xem bố mày là ai không? – Nhung ngại ngùng hỏi.

- Không, mặc xác, quan tâm gì khi người ta không đả động gì đến mình.

- Mày này, có những điều tưởng là thật mà cuối cùng lại không phải là thật, cảm xúc thật khó chịu mày ạ.

- Con hâm này, nói liên thiên, có chuyện gì kể tao nghe.

Nhung xúc động kể lại cho bạn nghe về câu chuyện ban chiều.

“Nhung, có những chuyện mà cụ nên nói cho con biết. Vì con lớn rồi, con cần biết những sự thật thuộc về mình. Con còn nhớ bãi đất nổi lên ở giữa đồng không, chỗ đó là Hòn Lá. Nhiều năm về trước ở đó có một túp lều nhỏ, đó là nơi ở của bố con, bố con mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống bằng nghề mò cua, bắt ốc, đánh bắt cá ở đồng.

Nhà ngoại con là đồi cọ bây giờ, ông ngoại con rất quý bố con, bởi con người thật thà, chất phác. Mẹ con là một cô gái đẹp, nhiều người để ý tới. Bố con trong lòng cũng thầm thương trộm nhớ mẹ con, nhưng tự ti nên không dám nói.

Dạo đó, mẹ con đi học trên tỉnh, trót dại nên lỡ có bầu với một gã trai đểu, rồi gã bỏ rơi mẹ con. Ông ngoại con biết chuyện mẹ có bầu, sợ tai tiếng định bắt mẹ đi bỏ. Đúng lúc ấy, bố con đã tự nhận mình là tác giả của cái thai trong bụng mẹ con và xin phép được cưới con gái ông.

Sự chân thành của bố đã thuyết phục được ông ngoại. Ông bảo bố con về ở và trông đồi cọ giúp ông. Ít lâu sau ông mất. Sự bao dung của bố con đã cảm hóa được trái tim của mẹ con, sau này cụ mới biết được rằng bố con bị vô sinh do biến chứng quai bị từ nhỏ.

Bố con là vậy, một con người sống tình cảm, trầm mặc, ít nói và nhân hậu. Bố con luôn chờ đợi con quay về, nghe cụ về xin lỗi bố đi con”.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Nghe câu chuyện của Nhung, Lan không thể ngờ rằng một đứa mạnh mẽ như nó đã từng nhủ rằng, sẽ không thèm khóc, thế nhưng nước mắt lại rơi lã chã. Thì ra trên đời này vẫn còn có những người tốt, có những câu chuyện như là cổ tích. Lan nhìn Nhung, nó đang khóc nấc lên từng hồi. Lan vỗ về: “Khóc đi mày, cứ khóc cho thoải mái vào, mai về sớm, xin lỗi bố nhiều vào nhé!”.

Trời còn chưa sáng, cả hai đã lên đường về quê. Thành phố và khói bụi công nghiệp dần dần khuất mờ trong sương sớm. Sau chặng đường dài, con đường thân thương hiện ra trước mắt, Nhung hít hà không khí quen thuộc, vẫn là cái lạnh nhưng phảng phất hương thơm và vị ngọt của cây cối. Ven đường những vạt hoa xuyến chi nở trắng, cánh đồng lúa vừa cấy xong mạ bén rễ rung rinh từng lá non xanh trong gió.

Về đến nhà rồi, dừng xe ở đầu ngõ. Nhung nhìn ngắm mọi thứ, khung cảnh không thay đổi nhiều. Con đường vào nhà vẫn ngoằn ngoèo đầy sỏi đá, hoa xuyến chi vẫn nở trắng cả dọc đường. Mùi hương quen thuộc của nhang trầm, hương vị của những đồ ăn quen thuộc, mùi cá nướng, canh củ hầm xương, ốc xào chuối…

Nhung bước vào nhà sững người với những gì đang hiện ra trước mắt. Bố đứng đó trước mâm cơm cúng giỗ mẹ. Vẫn những món ăn khi xưa mẹ thích. Bố già và gầy đi nhiều, thỉnh thoảng bố ho từng đợt một.

- Bố, con về rồi! Nhung bật khóc trong xúc động.

Người cha run run nắm lấy tay con gái.

- Bố, con xin lỗi, con sai rồi.

Sự xúc động làm bố chẳng nói nên lời, khẽ gật đầu, trong đôi mắt ủ dột bỗng lấp lánh những tia nắng.

Con về là tốt rồi, con gầy đi nhiều quá, hai đứa mau cất hành lí rồi vào ăn cơm nhé. Bố nhìn sang Lan:

- Con là bạn thân của Nhung phải không, cảm ơn con đã luôn ở bên nó những ngày tháng qua.

Trong bữa cơm chiều cuối năm, một bữa cơm tất niên, trùng với ngày giỗ của mẹ, đã lâu lắm rồi mới có một bữa cơm đông đủ như thế. Nhung nhìn lên bàn thờ, mẹ đang mỉm cười, mãi mãi mẹ vẫn trẻ đẹp như ngày nào, mẹ hạnh phúc phải không mẹ? Những món ăn bố vẫn tỉ mỉ chế biến bằng rau bố trồng được trong vườn; bằng cá, cua bố lượm được ở đồng, hẳn là bố luôn nhớ mẹ nhiều lắm.

Bữa cơm tất niên năm nay Nhung thấy bình yên và ấm áp. Những chuyện buồn đã qua hãy cho nó qua đi, sống ở đời là luôn hướng đến tương lai cơ mà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.