Bữa ăn học đường: Từ chính sách tới thực tế

GD&TĐ - Những năm qua, mô hình bữa ăn học đường đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt ở vùng cao, sâu, xa.

Trẻ ở những địa bàn đặc biệt khó khăn luôn được hỗ trợ bằng nhiều chính sách. Ảnh minh họa: TG
Trẻ ở những địa bàn đặc biệt khó khăn luôn được hỗ trợ bằng nhiều chính sách. Ảnh minh họa: TG

Dù còn nhiều khó khăn, song mỗi nhà trường đã và đang cố gắng tìm giải pháp để nâng cao chất lượng, đảm bảo sức khỏe, tầm vóc học trò.

Thực hiện đúng chính sách

Năm học 2023 - 2024, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Khấu Ly (Trạm Tấu, Yên Bái) có 27 lớp với tổng số 960 học sinh; đa số là người Mông. Trường có khoảng 700 học sinh được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; hơn 100 em còn lại được hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị quyết số 38/2023 của HĐND tỉnh Yên Bái.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thanh Huệ - Hiệu trưởng nhà trường, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn với gần 70% là hộ nghèo và làm nghề nông nên thu nhập thấp. Sự quan tâm của cha mẹ dành cho con cái trong vấn đề học tập chưa cao. Có thời điểm, các thầy cô, chính quyền địa phương phải đến từng thôn, bản vận động bố mẹ cho trẻ ra lớp đúng tuổi. Trước mỗi năm học, giáo viên mất nhiều công sức để tuyên truyền vận động, giúp phụ huynh nắm bắt được thời gian học sinh đến trường. Nhờ chính sách hỗ trợ bán trú nhân văn của Nhà nước, thời gian qua, việc cho trẻ đi học đều, duy trì sĩ số ổn định.

“Nhà trường tuân thủ đúng hướng dẫn của phòng GD&ĐT và UBND huyện về thực hiện các chế độ chính sách dành cho học sinh, trong đó có bữa ăn bán trú. Hằng ngày, trường công khai thông tin về tỷ lệ chuyên cần, thực phẩm bán trú, tài chính gửi UBND xã và phòng GD&ĐT.

Nếu tiền ăn và gạo của học sinh thừa, trường lập kế hoạch cụ thể về số lượng, ngày giờ rồi cấp phát cho trẻ mang về. Khi phát, chúng tôi sẽ mời ban giám sát của HĐND xã tới chứng kiến để đảm bảo công khai, minh bạch. Phụ huynh cũng có thể tới trường thăm con, xem suất ăn bán trú, quan sát nơi ở… nên khá yên tâm”, cô Huệ trao đổi.

Không chỉ với học sinh vùng cao, ở các khu công nghiệp có đông công nhân, việc triển khai bữa ăn học đường giúp bố mẹ yên tâm khi gửi con đến trường. Chị Nguyễn Thu Lan – công nhân lĩnh vực điện tử tại Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) có con học lớp 2 và mẫu giáo 4 tuổi ở trường gần nơi làm việc. Công việc bận rộn, chị Lan đăng ký cho các con ăn bán trú tại trường và đón vào chiều tối. Những hôm tăng ca, bố hoặc mẹ phải thu xếp về trước để đón con.

Lên Hà Nội làm công nhân về dệt may tại Khu công nghiệp La Phù (Hoài Đức) đã gần 10 năm, chị Phan Thị Hường quê Nam Định chia sẻ: “Ông bà ốm yếu, không chăm cháu được nên vợ chồng đưa hai con lên ở cùng. Tôi cho cháu ăn bán trú và đặt niềm tin hoàn toàn vào nhà trường. Đâu đó còn những câu chuyện về chất lượng bữa ăn bán trú, nhưng thực tế tôi thấy, các trường đang cố gắng không ngừng để có được bữa ăn học đường đủ dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh”.

Nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non 10-10 (Hà Nội) trang trí đồ ăn tại trường. Ảnh: TG

Nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non 10-10 (Hà Nội) trang trí đồ ăn tại trường. Ảnh: TG

Cùng con ăn cơm tại lớp

Tại Hà Nội hay TPHCM, việc triển khai bữa ăn học đường ở trường học được đông đảo phụ huynh học sinh ủng hộ. Cô Trương Thị Ngọc Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non 10-10 (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đơn vị luôn coi công tác đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú là vấn đề trọng tâm của năm học. Việc chế biến, trình bày cũng được chú trọng bởi có “ngon mắt mới ngon miệng”. Các cô giáo và nhân viên nuôi dưỡng luôn tìm nhiều cách bài trí món ăn sao cho bắt mắt, thu hút trẻ ngay từ ánh nhìn, qua đó hào hứng với khẩu phần ăn.

Có con học tại Trường Mầm non 10-10, chị Ngô Thị Loan cho hay, nhà trường thường xuyên trao đổi, khuyến khích phụ huynh tới trường cùng các bên tham gia quá trình giao nhận, chế biến thực phẩm hằng ngày. Làm kinh doanh tự do nên chị có thể tham gia các hoạt động của lớp. Chất lượng bữa ăn ngày càng đảm bảo, con đi học về khen cơm trên lớp ngon hơn ở nhà và muốn mẹ nấu giống trên lớp.

Là đơn vị tiên phong thực hiện mô hình “Bữa cơm gia đình” tại quận Hà Đông (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Thu An – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm cho hay, phụ huynh được đăng ký cùng ăn trưa với con tại lớp. Trẻ trải nghiệm bữa ăn giống ở nhà và tự làm các công việc như chuẩn bị bàn ăn, lấy bát, thìa, dĩa, đũa để ăn cơm. Nhiều phụ huynh đánh giá cao ý tưởng này của trường và nhiệt tình tham gia.

“Ngoài ra, nhà trường họp thống nhất và khuyến khích toàn thể giáo viên nhóm lớp chụp hình ảnh suất ăn hằng ngày của trẻ gửi tới phụ huynh. Đó vừa là cách để công khai thực đơn vừa thể hiện sự phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường trong việc giám sát bữa ăn học đường. Các loại thực phẩm khi đưa vào bếp chế biến đều rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng. Khâu chia thực phẩm về cho từng lớp phải đủ định lượng theo quy định”, cô An thông tin.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục, trong mọi hoàn cảnh thì sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình để chăm sóc, giáo dục trẻ là vô cùng quan trọng.

Vấn đề bữa ăn học đường cần được giám sát chặt chẽ bởi cả chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và phụ huynh nhằm ngày càng nâng cao chất lượng. Chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú với học sinh vùng khó của Đảng và Nhà nước vô cùng nhân văn, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc để đảm bảo sự thống nhất từ chính sách tới thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.