Theo đó, ngành công nghệ vi mạch hay công nghiệp bán dẫn được cho là đứng trước cơ hội để thu hút dòng vốn lớn.
Hiện, sản phẩm của công nghệ vi mạch được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, nhất là lĩnh vực điện tử, truyền thông, các ngành công nghiệp… đặc biệt là trong thiết bị di động, máy tính, ô tô, xử lý dữ liệu, truyền thông, điện tử tiêu dùng. Giới chuyên gia nhận định, công nghiệp bán dẫn là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Các chuyên gia dự đoán, đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn cần thêm 1 triệu nhân sự trên quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, mỗi năm cần khoảng 10.000 người làm việc trong lĩnh vực này. Song, nguồn nhân lực trong nước chỉ đáp ứng được 20%.
Để “kích cầu” ngành công nghiệp bán dẫn phát triển hiệu quả, tháng 8 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 124, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành này đến năm 2030. Thủ tướng cũng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.
Cuối tháng 9/2023, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đề xuất 3 trụ cột chính đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn gồm: Đào tạo bậc đại học nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên, những người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn; huy động nhân tài trong lĩnh vực này.
Thực tế cho thấy, những năm qua, Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM; trong đó tập trung vào công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), ngành phục vụ nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (Bigdata)…
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn 2019 - 2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Riêng ngành máy tính và công nghệ thông tin tăng 17,1%; Công nghệ kỹ thuật tăng 10,6%. Đây là những lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình mạnh nhất hằng năm. Đáng nói, các cơ sở giáo dục đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã sẵn sàng về năng lực đào tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ vi mạch.
Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, thị trường lao động lĩnh vực công nghệ vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng. Vì vậy, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài. Nói như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, công nghiệp bán dẫn là ngành mới ở Việt Nam. Do đó phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận và phát triển hiệu quả.
Muốn phát triển hiệu quả, một trong những giải pháp quan trọng là cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước, chẳng hạn như: Hỗ trợ, khuyến khích người học thông qua gói học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi… Ngoài ra, cần thúc đẩy hợp tác ba bên, gồm: Cơ sở giáo dục đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là với trường đại học, doanh nghiệp đối tác của Hoa Kỳ, có tiềm năng đầu tư tại Việt Nam.