Bù đắp kỹ năng nắm bắt cơ hội việc làm 'hậu Covid-19'

GD&TĐ - Trong bối cảnh bình thường mới, nhiều sinh viên đã chủ động lên kế hoạch nhằm thúc đẩy quá trình học tập và tốt nghiệp sớm. Ngoài ra, năm cuối là thời gian để các em tích lũy kinh nghiệm, trau dồi thêm kỹ năng và tìm kiếm cơ hội việc làm như mong muốn.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham dự Ngày hội việc làm.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham dự Ngày hội việc làm.

Rút ngắn thời gian học

Là một trong nhiều sinh viên Trường ĐH Ngoại Thương hoàn thành chương trình học trong ba năm, Nguyễn Thị Thảo Vân (ngành Quản trị kinh doanh) đã dành thời gian năm thứ tư để tìm việc làm giúp trau dồi kinh nghiệm, bù lấp những hạn chế, thiếu hụt trong thời gian 2 năm học trực tuyến. “Mục đích của em là nỗ lực hoàn thành sớm chương trình để dành thời gian năm cuối đi làm, cọ sát thực tế như làm việc nhóm, giao tiếp, xử lý các tình huống... Đó là những kỹ năng em bị thiếu hụt do học trực tuyến thời gian dài”, Vân chia sẻ.

Mặc dù vậy, quá trình xin việc của Vân không dễ dàng. Nữ sinh cho biết: “Giai đoạn đầu em chật vật khi đi phỏng vấn. Sau đó, em chuyển hướng làm hồ sơ ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh có lương. Với vị trí này, em có thể dễ dàng vượt qua các vòng phỏng vấn bởi nhà tuyển dụng không đòi hỏi quá cao về kỹ năng, số năm kinh nghiệm. Điều họ chú trọng là thành tích học tập cũng như kỹ năng tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp”.

Sở hữu chứng chỉ IELTS 6.5 là điểm cộng giúp Vân xin vào làm thực tập sinh có lương cho phòng Makerting tại một công ty thương mại điện tử. Sau ba tháng làm việc, Vân đã hoàn thiện nhiều kỹ năng mềm như làm việc nhóm, biết xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng nhóm công việc mình đảm nhiệm.

Tập trung học hết chương trình đại học trong quãng thời gian 2,5 năm, với số điểm bình quân mỗi môn học là 3,47/4, Vũ Trọng Cao Trí, ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Tài Chính – Marketing TPHCM sử dụng thời gian 1,5 năm còn lại để rèn luyện tiếng Anh và học thêm kiến thức liên quan đến marketing, truyền thông.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong giờ học thực hành.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong giờ học thực hành.

Trí chia sẻ: “Dẫu ra trường sớm nhưng những kỹ năng xử lý công việc, tình huống còn hạn chế. Do đó em dành thời gian 6 tháng để tham gia một số khóa học về truyền thông và trau dồi kỹ năng trước khi đi làm chính thức”.

Trịnh Văn Đại (cựu sinh viên Trường CĐ Nghề Bách khoa Hà Nội), hiện là kỹ thuật viên đào tạo lập trình - vận hành robot công nghiệp tại Công ty Samsung Việt Nam chia sẻ: “Để có thể định hướng rõ con đường sau khi ra trường, từ năm thứ nhất, em đã tích cực tham gia các hội thảo, ngày hội việc làm dành cho sinh viên để nắm bắt được những yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, thị trường việc làm”.

Đặc biệt, được nghe thầy cô, anh chị đi trước chia sẻ về con đường, hướng đi của họ, từ đó Đại rút bài học, sinh viên nếu có tay nghề chắc, cơ hội việc làm sẽ cao hơn. Sang năm hai, nam sinh đăng ký học việc tại một số công ty nhỏ để tích lũy kinh nghiệm. Đến năm cuối, Đại mạnh dạn nộp đơn ứng tuyển vào các công ty nước ngoài liên kết với Trường CĐ Nghề Bách khoa Hà Nội để thực tập. Kết quả, nam sinh trở thành nhân viên chính thức cho Tập đoàn SamSung Việt Nam.

“Cuối tháng 12/2021, em tốt nghiệp, mặc dù dịch bệnh căng thẳng nhưng em được tuyển thẳng vào vị trí kỹ thuật viên đào tạo lập trình - vận hành robot công nghiệp tại Công ty SamSung Việt Nam. Nhiều người có thể nghĩ em may mắn nhưng để đạt được thành công bước đầu này, em phải có lộ trình học tập rõ ràng và chủ động trau dồi thêm kiến thức từ thực tế. Có như vậy khi bước vào môi trường làm việc, em mới nhanh chóng hòa nhập”, Đại chia sẻ.

Sinh viên Trường ĐH Thủy lợi tại cuộc SV.STARTUP do Bộ GD&ĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức.

Sinh viên Trường ĐH Thủy lợi tại cuộc SV.STARTUP do Bộ GD&ĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức.

Bù đắp kỹ năng còn thiếu

Học trực tuyến trong thời gian dài đã tác động không nhỏ tới việc hình thành các kỹ năng của sinh viên như giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống… Do đó, ngay sau lại trạng thái “bình thường mới”, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá, tư vấn tâm lý giúp sinh viên vượt qua khó khăn, trở ngại nảy sinh trong thời kỳ học trực tuyến.

PGS.TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin: Hàng năm nhà trường cũng khảo sát nhu cầu, mong muốn và định hướng của sinh viên trong thời gian học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp tổ chức cho sinh viên năm thứ 1 và 2 đi tham quan, kiến tập để hiểu rõ và hình dung được ngành nghề, lĩnh lực mình đang học, tính chất công việc sau này.

Đối với năm thứ 3 và thứ 4, nhà trường tăng cường tổ chức các lớp kỹ năng mềm, khoá thực tập doanh nghiệp, kiến thức về khởi nghiệp để bổ trợ các phần lý thuyết cũng như tăng tính thực hành, thực tế cho sinh viên. Với sinh viên năm cuối, bên cạnh các khoá thực tập gắn với đề tài tốt nghiệp, sinh viên được trang bị thêm thông tin về thị trường việc làm, kỹ năng làm hồ sơ, phỏng vấn, làm thế nào để hoà nhập với môi trường làm việc sau tốt nghiệp… Nhờ vậy, tỷ lệ sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có việc làm ngay từ năm cuối đại học luôn đạt ở mức trên 60% và sau khi tốt nghiệp 3 tháng đạt 86%.

ThS Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Thủy lợi cho biết: “Để sinh viên năng động, có định hướng công việc cho bản thân từ khi còn đi học, nhà trường tổ chức nhiều cuộc thi, trong đó có Cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp.

Những sinh viên có ý tưởng nếu đăng ký tham dự, nhà trường sẽ bố trí giảng viên có kinh nghiệm chuyên sâu hướng dẫn, hỗ trợ các em. Sau 6 tháng, chuyên gia đào tạo các kỹ năng về khởi nghiệp, lập dự án sẽ đánh giá, góp ý, hỗ trợ cho các ý tưởng của sinh viên và nhà trường sẽ tổ chức thi chung kết. Đội đoạt giải cao được chọn đi thi ở cấp cao hơn”.

Theo ThS Đặng Hương Giang, qua cuộc thi khởi nghiệp, sinh viên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt. Đặc biệt, các em hình dung được quá trình khởi nghiệp ra sao, làm thế nào để thuyết phục nhà đầu tư và môi trường làm việc trong tương lai ra sao.

Hàng năm, Trường ĐH Thủy lợi tổ chức Ngày hội việc làm cho sinh viên. Hai năm vừa rồi do đại dịch Covid-19, Ngày hội việc làm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Năm nay, dự kiến ngày 18/8, nhà trường tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên bằng hình thức trực tiếp với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp. Có nhiều sinh viên đã tìm được việc làm tại ngày hội. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đề nghị nhà trường giới thiệu sinh viên. - ThS Đặng Hương Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.