Thí sinh đến từ Quảng Ninh nêu câu hỏi: Em muốn theo học ngành Mỏ của Trường đại học Mỏ địa chất, gần đây em thấy trên thời sự, than của Việt Nam sắp tới phải nhập khẩu của nước ngoài, nếu em có cơ hội theo học ngành Mỏ thì cơ hội việc làm sau này của chúng em có hay không?
Giải đáp câu hỏi này, TS Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường đại học Mỏ địa chất chia sẻ: Nhiều người nghĩ, học ở Trường đại học Mỏ địa chất thì chỉ có ngành than; nhưng quan niệm này chưa đúng.
Vì Trường đại học Mỏ địa chất là trường đào tạo đa ngành. Ngoài đào tạo kỹ thuật khai thác mỏ, nhà trường còn có các ngành đào tạo khác như: Tài chính ngân hàng, điện tự động hóa...
Trả lời trực tiếp câu hỏi thí sinh trên, TS Lê Xuân Thành trao đổi, nếu như chúng ta chỉ có tư duy: học đại học chỉ để làm cho doanh nghiệp trong nước, thì tư duy này là đúng. Nhưng ở thời điểm này, tư duy đó hoàn toàn sai.
TS Lê Xuân Thành (bên trái) tư vấn xét tuyển cho thí sinh |
Theo bản tin của thị trường lao động, đến năm 2020, Việt Nam thiếu và cần cung cấp cho các nước các khối ASEAN 6 triệu việc làm.
"Các em hãy đón nhận tư duy rằng, chúng ta học đại học, được đào tạo để trở thành công dân của thế giới. Chúng ta sẽ làm việc cho tất cả các doanh nghiệp trên thế giới" - TS Lê Xuân Thành nhấn mạnh.
TS Lê Xuân Thành thông tin thêm, đến 2050 trữ lượng về khoáng sản than của các nước trên khu vực ASEAN và trên thế giới vẫn chưa hết. Do vậy thí sinh có thể yên tâm rằng, nếu học ngành kỹ thuật mỏ sẽ có cơ hội việc làm.
"Ngoài ra, khai thác mỏ còn phục vụ cho các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản về cát, đá, vật liệu xây dựng... chứ không phải thuần túy về than. Nên em yên tâm là sẽ có cơ hội tuyển dụng việc làm rất tốt" - TS Lê Xuân Thành nói.
Theo TS Lê Xuân Thành, trong những năm gần đây, nhân sự được tuyển dụng của ngành than là rất nhiều, cầu bao giờ cũng lớn hơn cung. Trong khi ở ngành này không có nhiều người học chịu khó và học tốt.