Ít nụ cười, nhiều nước mắt
Sau những thành tích bất ngờ của bóng đá Việt Nam năm 2018, rất nhiều tuyển thủ quốc gia lọt vào tầm ngắm của các đội bóng nước ngoài. Từ Đông Nam Á có Thái Lan, đến châu Á với Nhật Bản, Hàn Quốc và cả một số CLB ở trời Âu xa xôi. Nhiều cầu thủ đã xuất ngoại.
Thế nhưng, sau gần 20 năm “lịch sử” cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, vấn đề khá buồn đặt ra rằng, cầu thủ Việt Nam có đủ tầm để thi đấu quốc tế? Câu ngạn ngữ “cứ đi rồi sẽ thành đường” có lẽ không thực sự đúng với vấn đề cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu. Chúng ta cứ đi mãi mà vẫn chưa thấy đường đâu!
Cầu thủ Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài thi đấu vào năm 2001, cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức được CLB Chongqing Lifan (Trung Quốc) mời ký hợp đồng. Vào thời điểm đó, Lê Huỳnh Đức đang là chân sút hàng đầu Việt Nam và anh luôn là sự lựa chọn số 1 trên hàng công.
Nhưng Lê Huỳnh Đức đến Trung Quốc theo bản hợp đồng mang nặng màu sắc thương mại hơn là chuyên môn. Tuyển thủ Việt Nam trở thành đại diện hình ảnh cho thương hiệu xe máy Lifan tại Việt Nam, đổi lại Tập đoàn của Trung Quốc sẽ nâng số tiền tài trợ cho CLB bóng đá TPHCM, đội bóng sở hữu Huỳnh Đức.
Đặt chân đến một môi trường hoàn toàn mới cùng rất nhiều sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, đến lối sống trở thành những rào cản khắc nghiệt với Lê Huỳnh Đức. Cựu danh thủ thuộc thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam không hòa nhập được với lối chơi ở đội bóng mới.
Anh chỉ được ra sân 4 lần, ghi được 1 bàn thắng. Cả 4 trận ra sân Đức đều bị thay ra. Bản thân Lê Huỳnh Đức sau đó thừa nhận, việc thiếu sự chuẩn bị tốt khiến anh gặp rất nhiều khó khăn và không thể cạnh tranh được vị trí trong môi trường chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn đòi hỏi ở mức cao.
Lê Công Vinh khi còn là cầu thủ đã 2 lần xuất ngoại, đặt chân đến 2 nền bóng đá hoàn toàn khác biệt. Sau chức vô địch AFF Cup 2008, HLV Calisto giới thiệu Công Vinh đến CLB Leixoes (Bồ Đào Nha).
Tại đây, chân sút đội tuyển Việt Nam đã không thể hòa nhập và bắt nhịp được lối chơi của Leixoes, đội bóng vốn chỉ thuộc nhóm trung bình yếu ở giải vô địch quốc gia Bồ Đào Nha. Những ngày tháng cay đắng ở Leixoes đã trui rèn bản lĩnh, kinh nghiệm cho Công Vinh.
Năm 2013, anh ký hợp đồng thi đấu cho Consadole Sapporo, đội bóng đá ở J-League 2 (hạng Nhì Nhật Bản). Chân sút xứ Nghệ phần nào khẳng định năng lực sau 4 tháng ở Nhật Bản, song anh không dám mạo hiểm ở lại khi Consadole đề nghị gia hạn hợp đồng.
Sau Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh, vấn đề xuất ngoại cầu thủ của bóng đá Việt Nam gần như “đóng băng”. Chỉ đến khi, Học viện HAGL JMG cho ra lò lứa cầu thủ tài năng với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… thì vấn đề cầu thủ xuất ngoại mới được bầu Đức làm nóng trở lại.
Nhưng cũng giống như các đàn anh đi trước, những cầu thủ tài năng của Việt Nam xuất ngoại thời gian gần đây nụ cười thì ít, nước mắt lại nhiều.
Công Phượng lần đầu xuất ngoại vào năm 2015, anh đầu quân cho CLB Mito Hollyhock ở J.League 2 theo bản hợp đồng cho mượn 1 năm. Tuy nhiên, thật đau xót cho tài năng của Việt Nam, những gì người ta nhắc đến Công Phượng trên đất Nhật là hình ảnh anh đi phát tờ rơi, thu hút quảng cáo và gương mặt thẫn thờ của tài năng trẻ Việt Nam trên băng ghế dự bị.
Công Phượng trở lại Việt Nam và thi đấu cho HAGL tại V-League 2017 và 2018. Thành công trong màu áo U23 Việt Nam đã trở thành đường băng đưa Công Phượng gia nhập CLB Incheon United (Hàn Quốc) ở mùa giải 2019. Thế nhưng, bất chấp những bài học tích cực từ Nhật Bản, Công Phượng không thể bắt kịp được nhịp sống ở Incheon United, đội bóng vốn tham dự K-League, giải đấu cao nhất trong hệ thống thi đấu của Hàn Quốc.
Công Phượng sớm kết thúc hợp đồng với đội bóng xứ Kim chi, trở lại Việt Nam. Sau những đồn thổi về khả năng đá ở giải hạng 2 Pháp, cuối cùng Công Phượng “được” đến Sint-Truidense (Bỉ).
Chỉ có điều, ở lần xuất ngoại thứ 3, Công Phượng tiếp tục rơi vào tình trạng, tập luyện và đánh bóng ghế trên khán đài. Băng ghế dự bị trở thành hạng sang với chân sút Việt Nam. Có lẽ ngày về của Công Phượng cũng không còn xa!
Cùng với Công Phượng, bầu Đức đã nỗ lực nhiều lần đưa các “báu vật” xuất ngoại và đến giờ, chưa một lần ông bầu tâm huyết thành công.
Xuân Trường từng khoác áo 3 CLB nước ngoài, gồm: Incheon United, Gangwon FC (Hàn Quốc) và Buriram United (Thái Lan). Tiền vệ người Tuyên Quang đều thất bại ở môi trường mới. Tuấn Anh tới Yokohama, nhưng mục đích là điều trị và phục hồi chấn thương.
Một trường hợp khác của HAGL, hậu vệ Lê Đức Lương từng có 2 tuần thử việc tại giải hạng 2 Hàn Quốc (K.League Challenge) trong màu áo CLB Ansan Greeners hồi cuối năm 2016. Tuy nhiên, HLV Lee Heung-sil đã từ chối cầu thủ đến từ Việt Nam.
Công Vinh không thành công sau 2 chuyến xuất ngoại |
Bao giờ sẽ thành đường?
Bên cạnh rất nhiều thất bại, bóng đá Việt Nam cũng có một vài cầu thủ xuất ngoại thành công. Nguyễn Xuân Nam (sinh năm 1994), cùng lứa Quế Ngọc Hải, Đặng Văn Lâm, trưởng thành từ lò đào tạo của Hà Nội FC.
Mùa giải 2015, Xuân Nam được bầu Hiển chi viện cho đội SHB Vientiane tham dự Lào League, anh ghi 14 bàn thắng và giúp đội bóng đứng hạng 3 chung cuộc. Xuân Nam được xem như ngôi sao ở giải vô địch quốc gia Lào. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, Lào League còn có khoảng cách khá xa so với V-League. Vậy nên, trở về sau khi đã thành danh ở Lào League, Xuân Nam mất nhiều năm vật lộn vẫn không thể tìm được chỗ đứng. Chỉ đến khi đầu quân cho Phố Hiến, đá hạng Nhất 2019, anh mới phần nào tìm lại phong độ.
Cũng là người của HAGL, Anh Tài được cho là sang giải hạng 5 Hàn Quốc (K3 League Basic) khoác áo CLB Uijeongbu. Hậu vệ sinh năm 1996 có mùa giải thành công cùng đội bóng xứ sở kim chi. Một năm sau sự xuất hiện của Anh Tài, cầu thủ Việt khác là Nguyễn Hữu Khôi cũng thi đấu tại giải hạng thấp của bóng đá Hàn Quốc.
Anh cùng Siheung City FC của Hàn Quốc vô địch K3 League Basic. Hậu vệ Diệp Hoài Xuân sang Campuchia thi đấu và nhanh chóng gây ấn tượng nhờ chiều cao 1,84m. Lãnh đạo CLB Kirivong Sok Sen Che (Phnom Penh) đề nghị Hoài Xuân nhập quốc tịch Campuchia với tên Ream Serng để thi đấu với tư cách nội binh. Anh được trao băng đội trưởng và hưởng lương cao nhất đội.
Văn Lâm là trường hợp xuất ngoại thành công nhất của bóng đá Việt Nam. Đến Thái Lan với bản hợp đồng chuyển nhượng có giá trị 500.000 USD và đứng trong hàng ngũ nhiều ngôi sao như ở Muangthong United, song thủ môn đội tuyển Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định được năng lực chuyên môn.
Văn Lâm thi đấu ổn định, có nhiều pha xử lý đẳng cấp, Muangthong United khen ngợi trên trang chủ CLB và BTC Thai – League bầu chọn vào đội hình tiêu biểu của vòng đấu. Văn Lâm luôn giữ được phong độ ổn định khi trở lại Việt Nam khoác áo đội tuyển quốc gia. Nhưng nên nhớ rằng, Văn Lâm ăn học và trưởng thành từ châu Âu, đồng thời phần nào đó thành công của anh cũng đến từ vị trí thi đấu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cầu thủ Việt Nam thất bại. Nhưng theo nhiều chuyên gia, chuyên môn vẫn là yếu tố quyết định đến sự thành bại của cầu thủ Việt Nam. Như Xuân Trường, Công Phượng nhiều lần xuất ngoại nên không thể đổ lỗi cho kinh nghiệm, hoặc ngoại ngữ yếu.
Thực tế, cầu thủ của chúng ta chưa đủ giỏi, xuất sắc để có thể chơi tốt ở bất cứ môi trường nào. Những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu có thể là cầu thủ giỏi với bóng đá Việt Nam. Nhưng khi đến môi trường mới, đẳng cấp và chất lượng hơn hẳn V-League, thì việc họ thất bại cũng là điều dễ hiểu.
Hoặc theo chuyên gia Lê Thế Thọ, việc bầu Đức để Phượng với Trường xuất ngoại là nước cờ không khôn ngoan. Cả hai chưa đủ lực để cạnh tranh ở những môi trường khốc liệt hơn bóng đá Việt Nam.
Từ Lê Huỳnh Đức, năm 2001, đến những Văn Hậu, Công Phượng của 2019, bóng đá Việt Nam có bề dày gần 20 năm xuất ngoại cầu thủ. Nhưng bao giờ xuất ngoại cầu thủ trở thành đường vẫn là câu hỏi còn nguyên tính thời sự và không dễ có lời giải trong một sớm, một chiều.
Bóng đá Việt Nam đang sở hữu nhiều tài năng, đội tuyển quốc gia đang thống trị khu vực Đông Nam Á và liên tiếp giành được những kết quả ấn tượng ở sân chơi châu lục. Nhưng với V-League, nền tảng quyết định thành công cho đội tuyển quốc gia, giải chuyên nghiệp Việt Nam có lẽ chưa thể ngang bằng với Thái – League.
Còn với Nhật Bản và Hàn Quốc, V-league vẫn còn khoảng cách rất xa. Cầu thủ Việt Nam muốn bắt nhịp với các giải đấu đẳng cấp không phải chuyện dễ dàng và vấn đề xuất ngoại của bóng đá Việt Nam vẫn là lối mòn chưa thể rẽ lối đến thành công.
Xuất khẩu cầu thủ là xu thế của bóng đá hiện đại, một phần không thể thiếu của bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng nhìn vào lịch sử, cầu thủ Việt Nam xuất ngoại vẫn còn khá mơ hồ. Muốn cầu thủ Việt Nam có thể thi đấu ở nước ngoài thì V-League buộc phải cải thiện chất lượng.
Hãy nhìn ngay Chanathip Songkrasin của Thái Lan. Cầu thủ này nổi lên cùng thời Công Phượng nhưng khi sang Nhật Bản khoác áo Sapporo Consadole đã tỏa sáng rực rỡ. Đó là nhờ Thai League chất lượng cao, cạnh tranh cao và chuyên nghiệp thực sự. Sự khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp vốn đã được lường trước.
Những Công Phượng, Văn Hậu và tương lại có thể cả chính Quang Hải hay Văn Toàn nếu không có sự lựa chọn hợp lý, sẽ “sống mòn” trên băng ghế dự bị, khán đài. Cơ hội được tập luyện tại môi trường chuyên nghiệp không thể bù đắp cho cảm giác bóng bị mất đi hàng ngày, đi kèm với sự tự tin mai một theo thời gian.
Vậy nên, đã đến lúc, những người có trách nhiệm cần nhìn nhận nghiêm túc vấn đề xuất ngoại cầu thủ. Tránh lặp lại những thất bại đau đớn đã và đang đến với bóng đá Việt Nam.
Công Phượng vẫn chưa thể giành được vị trí trên đất Bỉ |
Sau niềm vui ngắn ngủi, Văn Hậu đang đối mặt tương lai u ám tại Heerenveen |